Đặc xá 2021: Phạm nhân được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn

Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm với tất cả phạm nhân được đặc xá trước khi công bố quyết định đặc xá, đảm bảo để họ trở về địa phương an toàn.
Đặc xá 2021: Phạm nhân được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn ảnh 1Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời cầu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hơn 3.000 phạm nhân được đặc xá dịp Quốc khánh 2/9 năm 2021 trong bối cảnh đặc biệt vì dịch COVID-19.

Lần đặc xá này còn có nhiều điểm mới so với mọi năm. Đây không chỉ là đợt đặc xá đầu tiên theo Luật Đặc xá năm 2018, mà còn là đợt đặc xá đầu tiên sau thành công rất tốt đẹp của nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đảm bảo trở về địa phương an toàn

Theo Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, đợt đặc xá lần này diễn ra trong bối cảnh rất khác. Thời gian gấp, dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam.

"Nhưng chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các văn bản pháp quy liên quan đến đặc xá; làm việc đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định về đặc xá, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, không để xảy ra bất cứ sai sót nào," Trung tướng Lê Minh Hùng nhấn mạnh.

Đợt đặc xá năm 2021 có rất nhiều điểm mới, là lần đầu tiên thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá năm 2018 với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn được đặc xá. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Ban Chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.

Trên cơ sở công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương chủ động có kế hoạch bàn giao, tiếp nhận người được đặc xá về nơi cư trú; thống nhất phương án xử lý, đặc biệt là người đặc xá về từ các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

[Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước]

Để đảm bảo an toàn cho người được đặc xá và địa phương tiếp nhận, Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm với tất cả phạm nhân được đặc xá trước khi công bố quyết định đặc xá.

Bên cạnh đó, các trại giam hỗ trợ về trang phục, tiền tàu, xe, tiền ăn dọc đường, phối hợp với địa phương bố trí hợp lý phương tiện đón người được đặc xá, đồng thời hỗ trợ những trường hợp khó khăn, để tất cả người được đặc xá có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Mặt khác, lực lượng Công an địa phương chủ động có kế hoạch đón tiếp, giải quyết các chế độ, chính sách cho người được đặc xá như cấp lại các loại giấy tờ tùy thân, cấp căn cước công dân, cho nhập hộ khẩu và giới thiệu vào các tổ chức, doanh nghiệp để có cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để phạm nhân nào bị ảnh hưởng của dịch bệnh mà không thực hiện được quyết định đặc xá, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu Công an các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp nơi có người đặc xá để lên kế hoạch đón tiếp, giúp người được đặc xá di chuyển về địa phương an toàn, đúng theo các quy định phòng dịch.

Các trại giam vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công tác đặc xá

Suốt nhiều tháng nay, trong bối cảnh dịch COVID-19, cán bộ, chiến sỹ tại các trại giam, trại tạm giam không ai được về nhà, thậm chí không còn khái niệm về cuối tuần, ngày nghỉ. Bởi ngày nào cũng như ngày nào, các cán bộ, chiến sỹ đều phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân, bảo đảm an toàn tuyệt đối trại giam, phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, sau khi Chủ tịch nước có Quyết định đặc xá, Hội đồng Tư vấn đặc xá có hướng dẫn thực hiện, các đơn vị không quản ngày đêm, thực hiện đúng theo quy định.

Đặc xá 2021: Phạm nhân được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn ảnh 2Các phạm nhân tại Trại giam Ngọc Lý. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thời gian rất ngắn, công việc nhiều, lại trong hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương nên có rất nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh hồ sơ ở địa bàn, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành các bước thủ tục tại cơ sở giam giữ. Đồng thời phải tính toán rất kỹ phương án triển khai cho người được đặc xá và địa phương nơi tiếp nhận để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Vượt qua khó khăn, việc triển khai công tác đặc xá đảm bảo khách quan, nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót theo đúng yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021. Mọi công tác đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch, không để xảy ra lây lan dịch bệnh, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Trại giam Vĩnh Quang, đóng chân trên địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc - nơi có 96 phạm nhân, trong đó có 8 phạm nhân người nước ngoài được đặc xá dịp này đang chuẩn bị những điều kiện cuối cùng để các phạm nhân khi trở về được chu đáo nhất.

Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết: "Để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, ngoài việc tuyên truyền, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021 chuyển lên hội đồng xem xét, xét duyệt."

Còn tại Trại giam Phú Sơn 4, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, có 67 phạm nhân được đặc xá đợt này. Thượng tá Lê Đình Thanh, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, dân chủ, khách quan; bảo đảm các yêu cầu về đối nội, đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục