Thời gian qua, có ý kiến cho rằng việc đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu, bia mời đi nước ngoài rồi sau đó về nói tốt cho doanh nghiệp. Liệu có vấn đề tác động tới quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia?
Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này.
- Trong phòng, chống tác hại của rượu bia, xử phạt chỉ là cách giải quyết phần ngọn trong khi vấn đề gốc rễ phải là phòng ngừa, ngăn chặn. Sau những ý kiến của đại biểu Quốc hội, tới hiện tại, dự án luật đã tiếp thu đã những ý kiến nào để tăng tính phòng ngừa, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: HiệnỦy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
[Phó Thủ tướng nói gì việc uống rượu bia khi tham gia giao thông?]
Một trong những điểm được Thủ tướng Chính phủ đề nghị là lấy lại quy định có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Đây là giải pháp tích cực, hiện cơ quan soạn thảo đang tiếp thu và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, một điểm khác là khuyến khích các giải pháp để người sử dụng rượu bia thì không tham gia giao thông. Việc này không có tính pháp lý cao như quy định cấm hoàn toàn mà là tăng cường tuyên truyền, giáo dục.
Vừa rồi, chúng tôi đã làm việc với Chính phủ, Chính phủ nói đang tính toán sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa để có mức xử lý cứng rắn hơn.
- Ông có nói tới việc Chính phủ đề nghị đưa vào lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Cụ thể vấn đề này là sao và trước đó ban soạn thảo đã đưa nội dung này vào nhưng vì sao lại lại rút ra?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Ban đầu, dự thảo của Chính phủ có quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Tuy nhiên, sau đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được ghi trong luật về thuế. Bởi vậy, cơ quan này đề nghị rút quy định trên ra khỏi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tuy nhiên, sau đó nhiều ý kiến đề nghị vẫn quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nhằm thể hiện quyết tâm của Nhà nước. Chúng tôi thấy điều này là đúng nên đề nghị với các đơn vị lấy lại điều này. Nội dung này không có gì trái luật về thuế, chỉ nhấn mạnh thêm.
- Thưa ông, ban soạn thảo đưa ra 5 nội dung để xin ý kiến nhưng chỉ có 3 nội dung được lựa chọn. Trong số 2 nội dung bị bỏ ra có vấn đề cấm bán rượu bia trên internet. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Lý do đưa ra 5 nhưng chọn 3 là vì có những nội dung đã được thống nhất. Ví dụ như việc cấm bán rượu bia trên internet có liên quan tới điều cấm trong hoạt động thương mại và cam kết quốc tế. Bởi thế, cả phía soạn thảo và đơn vị thẩm tra đều thống nhất xin ý kiến các nội dung khác.
Các nội dung khi xin ý kiến Quốc hội đều được cơ quan thẩm tra và soạn thảo thống, không bao giờ có việc chúng tôi không đồng ý nhau.
- Dư luận đặt câu hỏi về nhóm lợi ích tác động vào luật, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi làm luật, quan trọng là bảo đảm lợi ích các bên, không phải vì doanh nghiệp sản xuất bia yêu cầu mà phải theo doanh nghiệp hoặc toàn bộ phải theo ý kiến người dân. Chúng tôi tính toán phương án cân bằng.
Đã có 13 cơ quan gửi văn bản tới ủy ban và cuối cùng được chúng tôi tập hợp lại cả. Tới phút chót họp ủy ban, chúng tôi dành 1 buổi để họp với 13 cơ quan này cùng các bộ, ngành.
Vấn đề quan trọng là làm sao giữ kỷ cương, pháp luật, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
- Có ý kiến cho rằng, đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu, bia mời đi nước ngoài và sau đó phát biểu ủng hộ doanh nghiệp. Quốc hội có quy định nào phòng ngừa nhóm lợi ích dùng cách như vậy tác động tới quá trình xây dựng luật không, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi phải nói, rất nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo, tôi chưa dự cuộc nào hết. Tôi phải nói nghiêm túc là vậy.
Với đi nghiên cứu, Bộ Y tế có mời một số đại biểu nhưng với tư cách nghiên cứu chính sách các nước. Còn đại biểu Quốc hội đi theo tư cách doanh nghiệp mời, không phải nghiên cứu chính sách là không đúng tinh thần và Quốc hội không cho phép./.
- Xin cảm ơn ông!