Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Giá xăng dầu tiệm cận quy luật thị trường

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Giá xăng dầu đã tiệm cận quy luật thị trường

"Họ (ngư dân) rất ca ngợi giá dầu của chúng ta, vẫn chưa có phương tiện truyền thông nào nói giá dầu hiện đang ủng hộ sản xuất, ủng hộ ngư dân bám biển mà vẫn chỉ tập trung vào giá xăng ở Hà Nội."
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Giá xăng dầu đã tiệm cận quy luật thị trường ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã tiệm cận quy luật của kinh tế thị trường, còn việc cao hay thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới là phụ thuộc vào chính sách thuế và phí của từng quốc gia.

Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13 diễn ra sáng 21/10, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trao đổi thẳng thắn với phóng viên về việc điều hành mặt hàng xăng dầu của Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, giá xăng của Việt Nam thời gian qua vẫn giảm khá chậm, trong khi thế giới giảm tới 40% nhưng ở trong nước mặt hàng này chỉ giảm 20%. Vậy ở góc độ vĩ mô, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Trước hết phải nói rằng, việc điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn từ 2014-2015 đã ngày càng tiệm cận đến quy luật của kinh tế thị trường, tức là tăng giảm theo hướng đi cùng thế giới (tất nhiên vẫn còn độ trễ so với thị trường thế giới), đây là một thành công của việc điều hành giá mặt hàng này thời gian qua.

Còn việc giá xăng dầu quốc tế mà giảm 40% nhưng trong nước chỉ giảm 20%, theo tôi chúng ta không nên so sánh việc này, bởi nếu cùng với mặt hàng này ở Venezuela hay Saudi Arabia... thì giá xăng của họ gần như cho không, do vậy sẽ không thể so sánh với các nước khác như Việt Nam. Ngược lại, nếu đem so giá xăng của các nước Bắc Âu thì ở họ thậm chí còn đắt hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Từ những phân tích trên cho thấy, việc điều hành giá xăng dầu còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế vĩ mô điều tiết như thế nào, quan trọng là phải nhìn vào bản chất của việc điều hành giá xăng, tức là xăng dầu tăng giảm theo thị trường là quan trọng nhất, còn việc mức giá đó đang cao hơn so với khu vực hay cao hơn các nước khác 20% điểm thì phải phụ thuộc vào chính sách vĩ mô, chính sách thuế và không nên bàn nhiều.

- PV: Vậy theo ông, các chính sách thuế phí áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu có quá cao và bất hợp lý không?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Chính sách thuế quốc gia thì miễn bình luận, bởi có những nước sẽ đánh thuế hoặc giảm thuế để ưu tiên một mặt hàng nào đó. Còn ở Việt Nam, xu hướng chung là chúng ta vẫn giảm thuế theo đúng các cam kết quốc tế, nhưng việc đánh thuế môi trường hay thuế khác thì còn phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia.

Trên thực tế, mỗi quốc gia có một chủ trương điều hành kinh tế vĩ mô riêng thông qua chính sách điều tiết là thuế, nếu họ không ưu tiên về phát triển mặt hàng nào đó thì họ sẽ đánh thuế cao. Đơn cử với phương tiện giao thông, nếu mặt hàng nào không ưu tiên thì nhà nước sẽ đánh thuế cao.

Nhưng nếu nhìn lại thuế đối với mặt hàng dầu mazút và dầu diesel thì gần như chúng ta đánh thuế rất thấp, do vậy không thể lấy giá xăng của người đi xe máy mà quên mất là thị trường năng lượng còn bao gồm cả giá điện, giá xăng dầu và nhiều loại sản phẩm đằng sau khác.

Nếu nhìn vào như vậy sẽ có người dân sẽ hỏi ngay rằng, tại sao giá mặt hàng diesel và giá dầu mazút lại không chịu thuế cao bằng giá xăng, vấn đề ở đây là do chính sách của Việt Nam là ưu tiên phát triển sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Giá xăng dầu đã tiệm cận quy luật thị trường ảnh 2Bảng giá xăng dầu của Petrolimex áp dụng từ 15 giờ ngày 19/10 (Nguồn: Petrolimex.com.vn)

- PV: Việc giữ mặt bằng giá xăng xấp cao có phải là giải pháp chống buôn lậu?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Không hẳn vậy, việc điều hành kinh tế vĩ mô phải cân đối nhiều lĩnh vực chứ không phải từ nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này còn phải hài hòa với công việc quản trị quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nữa.

Nếu chúng ta hạ thấp thì xăng dầu từ trong nước sẽ bị xuất lậu và ngược lại nếu cao hơn thì nhập lậu từ bên kia về.

Một góc độ khác, việc điều hành giá xăng dầu của các nước lân cận như Campuchia cũng khác Việt Nam, do vậy không nên so sánh việc điều hành của mặt hàng này với nước khác.

Theo tôi, quan trọng hơn là phải xem xét giữa việc giữ giá xăng không giảm sâu với giá quốc tế và lợi ích số đông của người Việt Nam đang sản xuất và kinh doanh, cái nào nhiều hơn để mà tính.

Nếu các bạn đi xuống Quảng Bình, Phú Yên để xem ý kiến của người ngư dân, họ rất ca ngợi giá dầu của chúng ta như thế nào, vẫn chưa có phương tiện truyền thông nào nói giá dầu hiện đang ủng hộ sản xuất, ủng hộ ngư dân bám biển mà chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào giá xăng ở Hà Nội thôi.

- PV: Cũng liên quan đến chính sách thuế và phí hiện nay, theo ông việc tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có tác động như thế nào đối với các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam, nhất là ôtô?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Hiện TPP chưa có hiệu lực, chưa phê chuẩn nên chúng ta không thể nói được những tác động cụ thể như thế nào, còn trong tương lai sẽ theo xu hướng chung của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Có thể thấy, Việt Nam luôn là một đối tác có trách nhiệm và chủ động đối với các cam kết quốc tế và những gì đã cam kết là chúng ta sẽ làm.

Thông qua việc chuẩn bị nhằm tiến tới hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì chúng ta thấy rất rõ, Việt Nam là một trong nhóm ít những nước triển khai thực hiện về văn bản pháp quy hội nhập của ASEAN và hiện đứng trong "Top 4" của nhóm trên.

Thực tế dù nền kinh tế của chúng ta nằm ở Top 4 dưới trong khối nhưng thực hiện thể chế của chúng ta lại nằm trong Top 4 trên, điều này cho thấy trách nhiệm của Việt Nam như thế nào và sự cố gắng của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế ra sao.

- PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ đầu năm 2015 đến nay giá xăng dầu trong nước đã có 14 lần điều chỉnh. Lần gần đây nhất (19/10), giá xăng Ron 92 giảm 136 đồng/lít trong khi giá các mặt hàng dầu tăng từ 26-440 đồng/lít, kg.

Hiện giá xăng Ron 92 niêm yết tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đối với vùng 1 là 18.000 đồng/lít; Xăng E5 Ron 92 là 17.610 đồng/lít; Dầu diesel 0,05S là 13.940 đồng/lít; dầu hỏa là 13.000 đồng/lít và dầu mazút 3,5Slà 9.880 đồng/kg.

Trong khi đó, mức thuế với xăng là 20%; trong khi thuế đối với các mặt hàng như: dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu bay là 10% còn dầu hỏa 13%.

Từ 1/5, thuế môi trường với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.