Hiện nay, nguồn vaccine của Việt Nam vẫn chưa đủ và đang lệ thuộc vào đối tác, nhà cung cấp. Do đó, các đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến nên đặt lứa tuổi ưu tiên vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng trẻ em từ 12-18 và chỉ mở cửa lại trường học khi đã bao phủ được vaccine cho các đối tượng này.
Cần chỉ định lứa tuổi ưu tiên tiêm chủng
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 25/10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh Trung học phổ thông trước, bởi nhóm đối tượng này đã có cơ thể phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh cao và biến chứng tương đương với người trên 18 tuổi.
Theo đại biểu này, đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên nên thực hiện tiêm đối với những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền..., còn các trường hợp khác nên dựa trên nguyện vọng, nhu cầu của gia đình.
Thực tế bản thân đã công tác ở Bình Dương trong đợt dịch vừa qua, ông Hiếu nhận thấy tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nhiễm bệnh và chuyển nặng rất ít, chủ yếu là các cháu bị bệnh nền. Đối với học sinh Trung học phổ thông thì khả năng mắc bệnh không khác so với người 18-19 tuổi.
[Bộ Y tế: Sử dụng vaccine đã nghiên cứu kỹ lưỡng để tiêm cho trẻ em]
Đề cập đến việc một số địa phương liệt kê các trường hợp trẻ từ 1-3 tuổi để có kế hoạch tiêm chủng, Đại biểu Hiếu nêu quan điểm chưa nên tiêm cho lứa tuổi này bởi hiện chưa có sự thống nhất, bằng chứng khoa học một cách rõ ràng và đang còn nghiên cứu.
“Nguồn vaccine của Việt Nam vẫn chưa đủ và đang lệ thuộc vào đối tác, nhà cung cấp. Vì thế, lộ trình, kế hoạch liên quan đến việc tiêm cho trẻ em vẫn chưa rõ ràng, mọi thứ sẽ phải chờ cụ thể,” đại biểu Hiếu cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố đã có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, nhưng cũng phải căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Y tế về lứa tuổi, số lượng vaccine nhập về để có biện pháp triển khai.
“Hy vọng, Bộ Y tế sớm có kế hoạch thông báo, chỉ định lứa tuổi tiêm chủng để thực hiện. Có thể đặt lứa tuổi ưu tiên từ 12-18 nhưng trong trường hợp vaccine chưa đủ thì có thể tiêm trước lứa tuổi 16-18 tuổi. Hiện Hà Nội đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế sớm có phân bổ vaccine cũng như chỉ định lứa tuổi ưu tiên trong tiêm chủng,” bà Hà nói.
Chỉ mở lại trường khi đã bao phủ vaccine cho học sinh
Liên quan đến việc cho trẻ em đi học, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ được vaccine cho trẻ em thì không nên mở cửa trường mà vẫn duy trì việc học trực tuyến với các cấp.
Với học sinh Trung học phổ thông, theo đại biểu Hiếu, sau khi thực hiện tiêm chủng xong có thể mở cửa lại trường để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Với học sinh Trung học cơ sở (cấp 2), tùy theo tình hình, nếu số lượng gia đình được tiêm 60-70% thì có thể mở cửa lại toàn bộ. Đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến nhiều khó khăn nên sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học trên cũng như người trong gia đình thì có thể đi học trực tiếp trở lại.
[Bảo đảm cơ sở vật chất, sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại]
"Nếu Hà Nội mở cửa lại trường học mà có ca dương tính lại đóng thì rất khó. Không thể để tình trạng trường học cứ mở vài tuần xong lại đóng. Do đó, quan trọng nhất là phải tìm mọi cách để phủ vaccine cho các em và nếu dồn sức thì chỉ cần 1 tuần là có thể tiêm được hết cho học sinh Trung học phổ thông ở Hà Nội. Khi tiêm đủ, có thể mở cửa cho các học sinh đi học trở lại,” đại biểu Hiếu chia sẻ.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết Hà Nội sẽ sớm có phương án cụ thể. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đã có phương án để đảm bảo việc đưa học sinh quay trở lại trường, song cần tổ chức thực hiện thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh khi trở lại trường học mới là điều quan trọng.
Về vấn đề công bố cấp độ dịch, theo nữ đại biểu này, Hà Nội hiện chỉ công bố theo cấp độ xã, phường hoặc thậm chí cấp thấp hơn và luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch, thành phố sẽ có biện pháp giãn cách, nới lỏng các dịch vụ, hoạt động kinh tế văn hóa xã hội. Căn cứ vào cấp độ dịch từng địa bàn, thành phố cũng có công bố sớm trong việc đảm bảo hoạt động về nới lỏng những hoạt động văn hóa kinh tế-xã hội, song yếu tố phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là ưu tiên số 1./.