Đại dịch COVID-19 xảy ra và hoành hành trên thế giới suốt 2 năm qua đã chọc thủng hệ thống y tế của nhiều nước, kể cả những nước có nền y học tiên tiến nhất.
Sự quá tải của hệ thống y tế khi số bệnh nhân gia tăng không ngừng đã bắt buộc và thúc đẩy để cải thiện ngành y tế, mở rộng khả năng tiếp cận y tế với nhiều người hơn trên thế giới, đạt được mục tiêu về y học chính xác và cải thiện kết quả điều trị.
Đổi mới hoạt động trong tình hình mới
Dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới đã cho thấy những lỗ hổng, sự kém hiệu quả trong các hệ thống y tế cần thay đổi và khắc phục trong tình hình mới và đây đã trở thành một vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 20-40% nguồn lực của hệ thống y tế bị lãng phí, điều này làm hạn chế việc cung cấp dịch vụ. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các cơ sở y tế ở khắp nơi trên thế giới buộc phải đánh giá lại cách hoạt động của họ để phù hợp trong bối cảnh tình hình mới.
[Những xu hướng công nghệ sẽ còn tiếp tục "bám rễ" sau năm 2021]
Gần 2/3 bác sỹ tham gia khảo sát cho biết những yêu cầu làm việc hành chính quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiệt sức, hơn 1/3 là do làm việc nhiều giờ và 8% bác sỹ khẳng định sự căng thẳng khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến kiệt sức.
Cho đến nay, dịch vụ y tế từ xa và chăm sóc ảo đang được tận dụng và phát triển ở nhiều nước. Tháng 3/2020, trong những ngày đầu của đại dịch, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (U.S. CDC) quan sát thấy tỷ lệ khám bệnh từ xa đã tăng lên 154% trên toàn quốc.
Năm 2020, các mô hình chăm sóc ảo nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân Mỹ và mang lại trải nghiệm khám bệnh từ xa tích cực cho bệnh nhân. Triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ trên quy mô lớn để cho phép tích hợp dữ liệu, giám sát từ xa và chăm sóc ảo.
Ông Kieran Murphy - Chủ tịch & Giám đốc điều hành của GE Healthcare phân tích trước đại dịch COVID-19 đã có sự gia tăng mạnh mẽ của công nghệ với kỳ vọng lớn về sự tiện lợi cũng như tính hiệu quả và điều này đã được chứng minh trong giai đoạn hiện nay. Với phương pháp thăm khám ảo, mọi người có cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà để đảm bảo an toàn. Đối với bệnh viện, việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế là nhu cầu quan trọng và phương pháp này cho phép nhân viên có thể làm việc từ xa.
Một trong những tác động lớn nhất của dịch vụ chăm sóc y tế ảo là mở rộng quy mô các nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả. Đơn cử như ở Ấn Độ, GE đã thiết lập một Trung tâm y tế từ xa (Tele-ICU) giúp kết nối 800 giường bệnh và giám sát những bệnh nhân nặng từ xa. Một bác sỹ giám sát có thể quản lý 80-100 bệnh nhân một ngày thay vì 10-15 bệnh một ngày như trước đây. Bởi trong bối cảnh dịch COVID-19, việc chữa trị bệnh nhân tại nhà là con đường nhanh nhất để hồi phục, vì vậy sử dụng tính năng giám sát từ xa sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân đồng thời giúp các bệnh viện đạt năng suất cao.
Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa “lên ngôi”
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện.
Một thành tựu nữa của ngành y tế Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Qua xếp hạng về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đang xếp thứ 5 (top đầu) trong toàn quốc.
Đến nay, đã có 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%. Có 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng robot trong y tế…
Hiện nay, công nghệ có thể hỗ trợ cho các bác sỹ lâm sàng bằng cách chọn lọc ra các dữ liệu giúp đưa ra quyết định khi được yêu cầu, giúp cho hệ thống hoạt động trơn tru.
Ông Kieran Murphy cho biết cứ sau 73 ngày, toàn bộ dữ liệu y tế trên toàn thế giới tăng gấp đôi. Ngày nay, rất nhiều bác sỹ lâm sàng cố gắng tiếp thu những dữ liệu đó và tính toán rồi chạy thuật toán bằng các công cụ hỗ trợ, nhưng có rất nhiều dữ liệu không bao giờ được sử dụng. Bằng cách tích hợp kỹ thuật khoa học dữ liệu, phân tích, và trí tuệ nhân tạo, GE có thể khai thác các kho dữ liệu khổng lồ để có được thông tin chi tiết, mang lại kết quả điều trị tốt hơn và giảm bớt tình trạng quá tải dữ liệu ngày nay.
Tất cả dữ liệu mà các bác sĩ lâm sàng đang xem ngày nay là “kho dữ liệu lịch sử”, mang thông tin về những gì đã xảy ra. Trong khi đó, 300 bệnh viện đang sử dụng trung tâm chỉ huy của GE, qua khai thác tất cả dữ liệu trong hệ thống công nghệ thông tin trong đó, với 38 ứng dụng AI, từ đó cho các bệnh viện biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Điều này giúp các bác sỹ có thể hành động kịp thời để ngăn chặn hoặc điều chỉnh cách điều trị để đạt được năng suất và kết quả tốt nhất.
Khám chữa bệnh từ xa đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đối số ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn chiến đấu với bệnh dịch COVID-19 hiện nay. Rất nhiêu tiện ích khi thực hiện biện pháp này, tiết kiệm cho người dân về thời gian, chi phí khi được hẹn khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện.
Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Đồng thời là bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hiện cả nước có khoảng trên 1.500 điểm cầu Trung ương, tỉnh/thành phố và 300 điểm cầu tuyến huyện có thể thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa.
Hiện nay, nhiều nền tảng số giúp cho các bệnh viện ứng dụng tiếp tục đẩy mạnh trong cải cách hành chính, quản trị, quản lý bệnh viện, các hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin, quản trị bệnh viện đang được cập nhật cải tiến mạnh mẽ tại các bệnh viện và các cơ sở từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến các hồ sơ bệnh án điện tử được liên thông.
Phần mềm về tổ chức quản lý nhân sự trong bệnh viện, quản lý trang thiết bị, quản lý thuốc, vật tư, cơ sở hạ tầng trong bệnh viện được áp dụng, các phần mềm cải tiến được chăm sóc người bệnh, đón tiếp người bệnh, áp dụng trí tuệ nhân tạo, AI trong lĩnh vực này đã được một số bệnh viện triển khai. Từ đó đã giảm được chi phí, tiết kiệm nhân lực.
Trên thế giới, ứng dụng công nghệ trung tâm chỉ huy của GE - một bộ công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện kết quả và hiệu quả trong hoạt động của bệnh viện được áp dụng tại nhiều nước. Công nghệ này đã được hơn 200 bệnh viện trên thế giới sử dụng. Các hệ thống dành riêng cho việc quản lý các thông tin quan trọng như: số giường bệnh sẵn có cho bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế và trang thiết bị cũng như điều hướng xe cứu thương đến các bệnh viện phù hợp. Nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa TeleICU giúp theo dõi từ xa và quản lý tích hợp toàn bộ đơn vị chăm sóc sức khỏe tích cực chỉ trong một hệ thống.
Tại Việt Nam, các chương trình khám chữa bệnh từ xa mang lại chính là các ca bệnh khó từ tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn kịp thời, hạn chế di chuyển người bệnh chuyển tuyến có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, bỏ qua mất thời gian vàng để cấp cứu cho người bệnh. Về lâu dài, phương thức khám chữa bệnh từ xa, sẽ là giải pháp giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương.
Đại dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành y tế, những điều mà trước đây phải mất hàng năm để thực hiện nay chỉ cần vài tháng.
Đó là hệ sinh thái y tế mới, linh hoạt hơn, tận dụng công nghệ để cải thiện độ chính xác, mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc ảo và cải thiện quản lý dữ liệu để đưa ra những quyết định lâm sàng đúng đắn hơn./.