Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào mùa khô nên các nhà thầu đã tập trung nguồn lực, phương tiện, vật tư, lao động để thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành tuyến đường trên đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ đầu tháng 10 trở lại đây, khi các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu chuyển sang mùa khô, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các nhà đầu tư, các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến tiến độ thi công nền, móng, rải đá cấp phối, một số đoạn đã bắt đầu triển khai thi công lớp thảm bêtông nhựa đường theo đúng tiến độ của các dự án.
Ngay sau khi cơ bản hoàn thành mặt đường đoạn từ Kon Tum- Pleiku dài 35 km, với tổng mức vốn đầu tư 717 tỷ đồng, các nhà thầu cũng đã tập trung phương tiện thi công 4 cầu còn lại trên tuyến. Đến nay, 4 cầu trên tuyến đường này đã hoàn thành được trên 70% khối lượng công việc. Đoạn phía Nam thành phố Pleiku có độ dài trên 8,5km, với tổng mức đầu tư 409 tỷ đồng, gồm 5 gói thầu.
Đến nay, phần mặt đường, điện chiếu sáng cũng đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Các nhà thầu như Công ty Băng Dương, Hoàng Lộc, liên doanh Công ty Hoàng Nam- Công ty Imico… đều thi công cơ bản đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với các dự án đường huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT các địa phương cơ bản đã bàn giao xong mặt bằng cho các nhà đầu tư. Ngay tại dự án BOT của nhà đầu tư liên doanh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Toàn Mỹ 14 và Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tập trung hàng trăm phương tiện, xe máy chuyên dụng, vật liệu thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án.
Còn tại Km 678+734 - Km 704, phía Bắc thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được Bộ Giao thông Vận tải giao cho nhà đầu tư liên doanh Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Quang Đức.
Dự án này có tổng chiều dài trên 25km được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, hai làn xe cơ giới, với vận tốc thiết kế từ 60 đến 80km.
Dự án này chính thức khởi công từ tháng 9 năm 2013 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 10 năm 2014. Thế nhưng trong quá trình thi công, dự án trên bộc lộ nhiều yếu kém nên đến tháng 7 năm 2014 chỉ đạt hơn 30,4% tiến độ tổng thể, chậm 3,5 tháng.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã chỉ đạo và hỗ trợ nhà đầu tư Quang Đức chia nhỏ ra thành 10 gói thầu, chọn các nhà thầu có đủ các điều kiện về phương tiện xe máy, mỏ đá, trạm trộn bê tông nhựa ….để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Chỉ riêng từ đầu tháng 10 đến nay dự án đã tăng thêm được trên 12% khối lượng công việc và hiện nay trên toàn tuyến đã được rải đá cấp phối. Theo dự kiến, đến tháng 11 năm 2014, dự án BOT Quang Đức sẽ tiến hành cán bê tông nhựa….
Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tuy thi công cơ bản đảm bảo đúng tiến độ dự án nhưng nhiều đoạn đường các nhà thầu vẫn chưa chú ý trong việc cắm cọc tiêu, biến báo, phun nước, phân làn xe… nên không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (mùa nắng đầy bụi, mưa xuống đầy sinh lầy) mà còn dễ gây tai nạn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có chiều dài 663km đi từ Đắk Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đi qua 4 tỉnh Tây Nguyên, gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kéo dài đến Chón Thành (Bình Phước).
Ngoài 110km từ Đắk Giôn-Tân Cảnh (Kon Tum) đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện nay, Nhà nước đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tiếp 553km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước)./.