Ngày 9/11, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông xác nhận, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản phản hồi về phương án sửa chữa sự cố sụt lún, sạt trượt Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định trách nhiệm khắc phục, sửa chữa đoạn đường bị sụt lún, sạt trượt là nhà đầu tư dự án, tức Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông. Đồng thời, các nội dung phát sinh cần được thỏa thuận với các cơ quan có thẩm quyền và cập nhật vào hợp đồng BOT theo quy định của Luật Đầu tư về hình thức đối tác công tư.
Cũng theo văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, các cơ quan chức năng và Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông cần tổ chức đàm phán, thỏa thuận về phương án xử lý, chi phí thực hiện và điều chỉnh hợp đồng BOT. Việc điều chỉnh phải đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc đã ký, phương án tài chính của hợp đồng và khả năng cân đối vốn của nhà đầu tư.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông, cho biết sẽ sớm triển khai khắc phục sự cố sụt lún này. Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông đang triển khai kiểm định và lập hồ sơ thiết kế để xử lý sự cố công trình.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông cũng đã có văn bản xin ý kiến Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông về các nội dung liên quan tới điều chỉnh phương án tài chính, giám định nguyên nhân sự cố công trình, cũng như tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư công trình xử lý sạt lở, sụt lún tại đoạn đường nêu trên.
[Thừa Thiên-Huế: Đường Hồ Chí Minh qua A Lưới bị sạt lở nghiêm trọng]
Theo một chuyên gia ngành Giao thông Vận tải, để khắc phục cơ bản sự cố sụt lún, sạt trượt tại vị trí trên đây, cần chuyển đoạn, tuyến này sang kiểu cầu cạn. Kinh phí dự kiến gần 200 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng từ 6-9 tháng.
Trước đó, như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin vào cuối tháng 9 vừa qua, sự cố sụt lún, sạt trượt Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được ghi nhận từ đầu tháng 8. Ban đầu, ngành chức năng chỉ ghi nhận các vết lún, nứt nhỏ nhưng các ngày sau đó tình trạng sạt trượt, sụt lún diễn biến nặng hơn.
Vào cao điểm, các vết nứt có tổng chiều dài hơn 200m, chiều sâu vị trí sạt, trượt cao nhất là 4,5m so với mặt đường, việc lưu thông qua 2 làn đường theo hướng từ thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đi tỉnh Đắk Lắk bị chia cắt hoàn toàn từ ngày 5/8. Hai làn đường còn lại lưu thông bình thường.
Các ngành chức năng sau đó đã điều tiết các phương tiện di chuyển sang hướng tuyến tránh Gia Nghĩa để giảm tải cho đoạn đường sụt lún. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, nhiều vị trí trên tuyến tránh Gia Nghĩa cũng bị hư hỏng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do lưu lượng phương tiện tăng cao./.