Dân không tin bệnh viện tuyến dưới, gây quá tải tuyến trên

Sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM vẫn chưa giảm. Nhiều bệnh viện lớn ở đây đang quá tải, trong khi bệnh viện tuyến huyện lại rất ít bệnh nhân đến điều trị.
Dân không tin bệnh viện tuyến dưới, gây quá tải tuyến trên ảnh 1Thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Bệnh sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa giảm. Nhiều bệnh viện lớn của thành phố đang trong tình trạng quá tải, trong khi bệnh viện tuyến huyện lại rất ít bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị.

Chính vì không được điều trị kịp thời nên nhiều người khi lên tuyến trên bệnh đã trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Quá tải tuyến trên

Mặc dù bệnh viện tuyến quận, huyện có điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng, nhưng bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn dồn lên tuyến trên nên dẫn đến quá tải. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như tỷ lệ tử vong cao do bệnh nhân không được theo dõi, điều trị kịp thời, nhiễm chéo.

Trong khi đó, năm nay vào chu kỳ dịch sốt xuất huyết nên dự báo những tháng cuối năm, số ca mắc sẽ tăng cao. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết nên tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời; đồng thời các bệnh viện cần kiên quyết lọc bệnh phân tuyến nhằm chăm sóc bệnh nhân tốt nhất tránh tình trạng xấu có thể xảy ra.

Trong nhận thức của người dân, đối với trẻ em khi mắc bệnh không riêng gì bệnh sốt xuất huyết người nhà sẽ đưa tới khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2. Còn người lớn khi mắc các bệnh nhiễm trùng hay truyền nhiễm nhiệt đới mặc nhiên người bệnh sẽ chọn Bệnh viện Nhiệt đới để điều trị.

Người dân dồn lên tuyến trên với niềm tin họ sẽ được điều trị bằng phương pháp tốt nhất mà tuyến huyện chưa có, nhưng ít ai biết rằng đến nay bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắcxin phòng bệnh và phác đồ điều trị bệnh ở các bệnh viện dù tuyến quận huyện hay trung ương đều như nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong số bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nhiễm, khoa Nhi của các Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhiệt Đới phần lớn là người dân ở các quận Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Thủ Đức…. Nhiều người chấp nhận vượt cả quãng đường dài lên tuyến trên khám và điều trị dù nhà họ chỉ cách bệnh viện quận, huyện vài cây số.

Anh Nguyễn Anh T., sinh năm 1979, ngụ tại quận Thủ Đức, đang điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt Đới là một ví dụ điển hình. Nhà anh T. chỉ cách Bệnh viện quận Thủ Đức vài cây số, nhưng khi có dấu hiệu của bệnh anh chỉ tới phòng khám tư mua thuốc giảm sốt về uống. Chỉ đến khi cảm thấy mệt hơn anh mới nhờ người thân chở lên Bệnh viện Nhiệt Đới nhập viện. Theo quan niệm của anh, chỉ có Bệnh viện Nhiệt đới là nơi điều trị sốt xuất huyết tốt nhất.

Bệnh nhân dồn lên tuyến trên dẫn đến quá tải. Tại Bệnh viện Nhiệt đới, tuần qua bệnh viện đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân nội trú nhưng khoa nhiễm của bệnh viện chỉ có 50 giường. Do vậy, để phục vụ người bệnh, bệnh viện phải kê thêm giường.

Bệnh viện tuyến trên không đủ giường cho bệnh nhân nằm, trong khi đó bệnh viện tuyến dưới lại không sử dụng hết công suất giường bệnh. Là một trong những điểm nóng của thành phố về sốt xuất huyết, nhưng 10 tháng vừa qua Bệnh viện quận 8 chỉ khám và điều trị nội trú cho 48 ca mắc sốt xuất huyết (phần lớn là trẻ em). Và điều đáng nói Khoa Nhi-Nhiễm của bệnh viện có 30 giường nhưng không phải thời điểm nào cũng sử dụng hết công suất

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, chính sự quá tải của tuyến trên đã làm giảm chất lượng khám chữa bệnh sốt xuất huyết. Một khoa 100 người nằm, điều dưỡng không thể theo dõi chi tiết xem ai đang chuyển giai đoạn.

Bởi diễn biến sốt xuất huyết rất phức tạp. Từ sốt xuất huyết nhẹ chuyển sang cảnh báo còn chậm nhưng từ sốt xuất huyết mức cảnh báo chuyển qua sốt xuất huyết nặng và từ sốc dẫn đến tổn thương cơ quan diễn ra rất nhanh. Điều dưỡng không thể đo mạch huyết áp, tiểu cầu, truyền nhỏ giọt kịp thời cho bệnh nhân dẫn đến nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

Cần xây dựng lòng tin vào bệnh viện tuyến dưới

Hằng năm, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 đều tổ chức các lớp tập huấn phổ biến pháp đồ điều trị cho các bác sỹ ở 24 quận, huyện của thành phố. Bên cạnh đó, đồng hành cùng công tác chống dịch của thành phố trong một thời gian dài đội ngũ ngũ bác sỹ tuyến quận, huyện có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh điều trị sốt xuất huyết Dengue ở mức cảnh báo.

Hơn nữa, nhiều bệnh viện quận, huyện như Bình Chánh, Bình Tân…các bác sỹ có khả năng điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng ở mức sốc.

Có trên 20 năm kinh nghiệm tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết lại thường xuyên được tập huấn nên hiện nay đội ngũ bác sỹ Khoa Nhi và Khoa Nội-Bệnh viện Bình Chánh, huyện Bình Chánh đã điều trị thành công sốt xuất huyết ở các giai đoạn kể cả sốt xuất huyết Dengue nặng

Bác sỹ Hồ Trúc Lệ, Giám đốc Bệnh viện Bình Chánh cho biết 10 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã điều trị nội trú 106 ca mắc sốt xuất huyết trong đó đã điều trị thành công 5 ca sốt xuất huyết Dengue nặng ở mức độ sốc đối với nhi.

Đối với người lớn khi chuyển sang giai đoạn sốc lượng tiểu cầu thường giảm rất nhiều và vì bệnh viện không đủ tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân (trong ngân hàng máu của bệnh viện, các chế phẩm như tiểu cầu còn hạn chế) nên mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.

Một nguyên nhân nữa khiến người dân dồn lên tuyến trên, bởi theo họ nếu được điều trị ở tuyến trên sẽ không bị rơi vào giai đoạn sốt xuất huyết Dengue nặng.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh, diễn biến của sốt xuất huyết rất đột ngột không có dấu hiệu báo, cũng không thể ngăn ngừa trước nên khả năng bệnh nhân chuyển biến nặng có thể diễn ra bất cứ lúc nào dù nằm ở bệnh viện tuyến trên hay bệnh viện tuyến dưới.

Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị sốt xuất huyết chung cho tất cả các bệnh viện, không bệnh viện nào có thể thay đổi phác đồ điều trị nên đối với bệnh sốt xuất huyết chỉ có theo dõi và can thiệp kịp thời mới không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết đang trong giai đoạn bùng phát, do vậy người dân không nên chủ quan. Khi có dấu hiệu bệnh, người dân nên đến bệnh viện địa phương gần nhất để được chẩn đoán có bị sốt xuất huyết hay không, sau đó tùy theo mức độ bệnh sẽ được bác sỹ tư vấn cách chăm sóc điều trị đúng chỉ định.

Để chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết, bệnh viện tuyến trên cần kiên quyết lọc bệnh phân tuyến, nghĩa là khi bệnh nhân chỉ ở giai đoạn sốt xuất huyết Dengue nhẹ nên khuyên bệnh nhân về bệnh viện địa phương điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh viện quận, huyện cũng cần tuyên truyền về khả năng điều trị sốt xuất huyết của mình để thu hút bệnh nhân. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng cần thay đổi cách phục vụ bệnh nhân theo thông điệp mà Bộ Y tế đã phát động. Làm sao để lấy được lòng tin của người dân vào việc khám chữa bệnh của đội ngũ bác sỹ tuyến quận huyện, mới làm thay đổi được thực trạng hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục