“Đánh thức” y tế nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc

Trong tình hình hiện nay, việc trang bị những kiến thức, dụng cụ y tế cho ngư dân và công cuộc chăm sóc sức khỏe cho họ lại cần thiết hơn bao giờ hết.
“Đánh thức” y tế nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ảnh 1Những người ngư dân tại đảo Lý Sơn vẫn đang ngày đêm bám biển. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trên biển, ngư dân chính là những người đóng một vai trò quan trọng, họ sẽ tiếp thêm lực lượng, thêm sức mạnh bảo vệ quyền và chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, việc trang bị những kiến thức, dụng cụ y tế cho ngư dân và công cuộc chăm sóc sức khỏe cho họ lại cần thiết hơn bao giờ hết.

Mong có một ngân hàng máu

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho hay, để đẩy mạnh chương trình Quân dân y kết hợp, trong đó có phát triển y tế biển đảo, Trung tâm Quân dân y kết hợp Lý Sơn đã thực hiện hầu hết các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, cấp cứu hồi sức nội khoa, nhi khoa và đã thực hiện một số phẫu thuật trung phẫu như mổ lấy thai, mổ ruột thừa viêm, thoát vị...

Những năm qua, bệnh viện cũng đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, X-quang cao tầng, điện tim, máy sinh hóa, phân tích nước tiểu, máy huyết học, ghế răng, dụng cụ phẫu thuật cấp cứu về ngoại khoa, sản phụ khoa... Tuy nhiên, ông Đức đánh giá các điều kiện hiện nay của bệnh viện vẫn còn nhiều hạn chế nhất là về trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Giám đốc Bệnh viện quân dân y đảo Lý Sơn Mai Hữu Hậu chia sẻ, tại đảo Lý Sơn không có điện thường xuyên nên trung tâm không xây dựng được một ngân hàng máu. Vì vậy, việc tiến hành phẫu thuật rất khó khăn vì các bác sỹ không truyền máu được cho bệnh nhân do chưa có được một ngân hàng máu dự trữ. Các bác sỹ của bệnh viện vì thế cũng mổ sinh ít vì tính an toàn trong truyền mổ không được cao.

Bác sỹ Hậu cho hay, ngoài việc khó khăn về nguồn nhân lực chuyên sâu, về nguồn điện, một trong những nhấn tố ảnh hưởng lớn tới thiết bị y tế là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Bên cạnh đó, một số trang thiết bị bệnh viện đưa vào sử dụng hầu như từ năm 2002-2004, hầu như các thiết bị này đã lạc hậu và xuống cấp. Thêm vào đó, một số các thiết bị cần phải đảm bảo 24/24 khi đưa vào sử dụng cần phải có hệ thống bảo dưỡng máy, nhưng với bối cảnh như hiện tại của trung tâm, máy móc vận hành ít cũng là một điều hạn chế.

Được biết, hằng năm, Sở Y tế vẫn bổ sung kinh phí bảo trì các thiết bị, nhưng chỉ là những thiết bị thông dụng, còn các thiết bị đắt tiền thì chưa được trang bị. Các thiết bị này hiện nay đã bắt đầu xuống cấp trong khi đó cơ sở vật chất của trung tâm tương ứng với một bệnh viện hạng 3. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất của trung tâm được xây dựng trên nền cơ ngơi của bệnh xá cấp 1 quân dân y được Bộ Quốc phòng xây dựng trước kia.

Trong khi bệnh viện hạng 3 phải có một số phòng kỹ thuật cũng như phòng mổ, một số hạng mục tiêu chuẩn riêng. Theo bác sỹ Hậu, cơ sở đã được phê duyệt giai đoạn 1 của bệnh xá cấp 1, vì vậy trong thiết kế sẽ có giai đoạn 2. Khi  trung tâm được đưa vào hoạt động tương ứng bệnh viện hạng 3 thì còn thiếu một số hạng mục  như không có phòng X-quang, phòng mổ... Sau này trung tâm đã phải cải tạo tạm một số phòng thành phòng mổ và phòng X-quang.

“Đánh thức” y tế nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ảnh 2Các bác sỹ ra khám chữa bệnh cho người dân tại đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bác sỹ Hậu phân trần: “Khi cải tạo từ trạm xá thành Trung tâm y tế quân dân y kết hợp thì nhiều phòng kỹ thuật chỉ tương đối, không đạt chuẩn, ngay cả hệ thống phòng xét nghiệm cũng vậy. Vừa qua, trung tâm được sự tài trợ của một ngân hàng nên khu kỹ thuật lâm sàng đạt chuẩn có hệ thống chống nóng, chống ẩm, do đó, hệ thống máy móc cho vào khu đó đảm bảo hơn, còn các khu khác chưa đạt chuẩn.”

Đề cập đến những khó khăn với bác sỹ và bệnh nhân khi xa cách với đất liền mà những ca cấp cứu nặng bệnh viện không giải quyết được, vị giám đốc trung tâm dẫn chứng, có những ca bệnh nặng mà không kịp chuyến tàu duy nhất trong ngày thì người dân có thể phải tự chi trả lên tới gần 20 triệu đồng để vận chuyển nhanh vào đất liền cấp cứu. Vì vậy, ngành y tế của đảo Lý Sơn mong mỏi có thêm những phương tiện để vận chuyển bệnh nhân kịp thời vào đất liền.

Thu hút bác sỹ trẻ về vùng hải đảo

Bày tỏ những khó khăn về công tác nguồn nhân lực của ngành y tế tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho hay, hầu như sinh viên học y xong ít về Quảng Ngãi. Một năm tỉnh tiếp nhận khoảng 45 bác sỹ và số đó chưa đủ bù cho số nghỉ hưu.

“Theo số liệu chúng tôi thống kê được, từ năm 2008-2013, chúng tôi có đã có 45 bác sỹ rời tỉnh ra đi. Có một số bác sỹ đi tới bệnh viện ngoại tỉnh, một số đi làm việc một vài bệnh viện tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh.”

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Sở Nội vụ đã tham mưu cho hội đồng nhân dân và thường trực tỉnh ủy đã thông qua ban hành nghị quyết khuyến khích về thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tỉnh Quảng Ngãi có chế độ nếu như bác sỹ tốt nghiệp loại giỏi về thì sẽ được hỗ trợ kinh phí một lần là 220 triệu đồng, loại khá 200 triệu đồng, loại trung bình là 160 triệu đồng.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức đánh giá, nhờ giải pháp trên ngành y tế của tỉnh đã có những biến đổi đáng kể, tuy nhiên đội ngũ nhân viên y tế chất lượng cao và chuyên sâu tại các huyện đảo vẫn còn nhiều khó khăn.

Về vấn đề cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại huyện đảo, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, mặc dù tỉnh đã chủ trương cấp thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ dân số của huyện đảo Lý Sơn, nhưng đến nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn thấp (hơn 55%). Nguyên nhân là do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế chưa chính thức ban hành mã thẻ, chưa quy định cụ thể mức hưởng theo diện bảo trợ xã hội, nghèo, cận nghèo.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí nâng cấp các cơ sở nhà cấp 4 của Trung tâm y tế quân dân y lên nhà cấp III, vì hiện nay các công trình đã xuống cấp và bị dột ẩm.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh hơn nữa việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân vùng hải đảo. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị y tế cho Trung tâm máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động, máy nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng. Đặc biệt là Lý Sơn cần được hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật và cung cấp trang thiết bị điều trị, phục hồi chức năng do tai biến lặn như buồng cao áp cho 4 người, 10 người; hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng về y học biển cho cán bộ y tế vùng ven biển và hải đảo.

Trước những khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực, vị giám đốc Trung tâm y tế Quân dân y huyện Lý Sơn Mai Hữu Hậu kiến nghị ngành y tế quan tâm đào tạo thêm về năng lực chuyên môn, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ cho cán bộ y tế của trung tâm. Thứ hai là cần máy ưu tiên trang bị thêm máy móc cho đơn vị.


Đẩy mạnh y tế biển đảo

Trong chuyến đi thực địa của ngành y tế cùng đồng hành với ngư dân bám biển, ghi nhận trước những khó khăn về y tế của huyện đảo Lý Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, để hỗ trợ cho ngư dân Bộ Y tế đã xây dựng tủ thuốc với các dụng cụ đầy đủ theo tiêu chuẩn để người dân có thể sơ cấp cứu ban đầu và chữa các bệnh thông thường.

“Đánh thức” y tế nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ảnh 3Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ra thị sát và tặng tủ thuốc cho ngư dân tại đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

“Lý Sơn trong hoàn cảnh như hiện nay ngành y tế sẽ đẩy mạnh để hỗ trợ thiết thực nhất thuốc chữa bệnh đồng thời cũng củng cố các trạm y tế và các trung tâm y tế khu vực biển đảo về trang thiết bị, con người và cũng phòng ngừa việc cứu nạn cứu hộ trên biển khi có tình huống xấu nhất xảy ra trên biển cũng như sát bờ biển,” người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

Về trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật y tế cho Bệnh viện quân dân y kết hợp Lý Sơn, ông Nguyễn Nam Liên - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, việc hỗ trợ nâng cấp nhà cấp 4 và trang thiết bị của Trung tâm y tế Quân dân y Lý Sơn, Bộ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các Sở lập ngay đề án nâng cấp bệnh viện trên, nhất là phần đầu tư và phần thiện theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với trung tâm y tế tuyến huyện.

“Sau khi các đơn vị trên lập xong dự án, cần có văn bản gửi cho Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiến hành các bước tiếp theo để nâng cấp khu nhà kỹ thuật của bệnh viện,” ông Nguyễn Nam Liên khẳng định.

Trước yêu cầu của địa phương đề xuất cần thiết có tàu vận chuyển nhanh để vận chuyển bệnh nhân trong các trường hợp khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị địa phương cần ghi rõ tàu loại nào, công suất nào để ngành y tế hỗ trợ 1 tàu để vận chuyển. Trong trường hợp kinh phí lớn thì ngành y tế sẽ kêu gọi thêm kinh phí quân dân y, biển đảo và xin trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh như hiện nay, khi y tế tại huyện đảo Lý Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, ngành y tế sẽ đẩy mạnh Đề án y tế biển đảo, rà soát lại tiến độ, trang bị thiết bị vận chuyển bệnh nhân.

Đối với vấn đề nhân lực, trong đề án luân phiên, luân chuyển cán bộ và đặc biệt đề án bác sỹ trẻ về vùng sâu vùng xa, thời gian tới Bộ sẽ vận động các bác sỹ tốt nghiệp loại giỏi về vùng hải đảo, nhất là những vùng hải đảo như Lý Sơn đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm củng cố sức mạnh của toàn dân tộc.

Hy vọng với các nỗ lực chung tay của toàn cộng đồng và ngành y tế, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân vùng biển đảo - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc - được quan tâm hơn nữa để tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng biển đảo yên tâm hơn khi ra khơi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục