Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn đề tắc đường như hạn chế phát triển phương tiện xe cá nhân, đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm..., nhưng đến nay tình trạng kẹt xe, gây ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí mức độ ngày càng tăng, nhất là cửa ngõ Đông Bắc và phía Nam, gây bức xúc trong nhân dân cũng như ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Chuyện thường ngày...
Những điểm “nóng” về kẹt xe trên địa bàn có thể kể đến như Ngã tư Thủ Đức, Xa lộ Hà Nội (khu vực cảng Trường Thọ và khu vực Ngã ba Cát Lái), giao lộ Đinh Bộ Lĩnh-Bạch Đằng, giao lộ Trường Chinh-Cộng Hòa, Lê Quang Định (khu vực chợ Gò Vấp), Ngã Sáu Gò Vấp, Hoàng Minh Giám (khu vực công viên Gia Định), giao lộ Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, cầu Phú Mỹ (khu vực ra vào cảng Cát Lái)…
Đỉnh điểm vào ngày 16/1, một vụ tắc đường tại Xa lộ Hà Nội kéo dài suốt 10 giờ đã khiến giao thông tại khu vực này tê liệt, hàng nghìn người trễ giờ làm, trễ giờ học, thậm chí nhiều xe container phải chờ cả buổi mới vào cảng Cát Lái lấy được hàng.
Mới đây nhất, vào sáng 21/9 (ngày làm việc đầu tuần), hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố kẹt xe kéo dài. Điệp khúc trễ học, trễ giờ làm đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Tại Quốc lộ 13 đoạn từ cầu vượt Bình Phước kéo dài đến cầu ông Dầu (hướng đổ vào trung tâm thành phố), hàng trăm xe ôtô nhích bánh từng chút một. Tại các ngã rẽ trên quốc lộ, xe cộ đâm đầu vào nhau, leo lên vỉa hè càng khiến giao thông thêm rối loạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tắc đường đã làm giảm năng suất vận tải, ngày thường xe chạy 2 chuyến/ngày thì nay chỉ còn 1 chuyến/ngày hoặc như xe đi tỉnh trong điều kiện bình thường mất 1 ngày thì nay mất hẳn một ngày rưỡi.
Ở thành phố thường xuyên kẹt xe, đặc biệt tại khu vực cảng Cát Lái, do thiết kế không đồng bộ giữa sản lượng hàng hóa (cao điểm có ngày có đến 19.000 lượt xe ra vào cảng Cát Lái) với hạ tầng giao thông, kỹ thuật đường, cầu, cống. Tắc đường đã gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Đơn cử, ngày thường xe chạy 100 km mất 30 lít dầu thì nay phát sinh thêm 5-7 lít, nhà xe phải bỏ tiền túi ra, chủ hàng không hỗ trợ.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, kẹt xe đang là vấn nạn và là rủi ro của nhiều người, nhiều tầng lớp, trong đó có các đơn vị kinh doanh vận tải. Muốn không bị chủ hàng phạt vì hành vi giao hàng trễ hẹn hoặc chất lượng hàng hóa không đảm bảo do tình trạng kẹt xe gây nên, nhà xe nên khôn ngoan thỏa thuận, bổ sung điều kiện bất khả kháng do kẹt xe trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa; đồng thời phải chứng minh được nguyên nhân này bằng việc chụp hình làm bằng chứng.
Giải pháp chống kẹt xe
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân gây tắc đường là do phương tiện giao thông cá nhân và lượng người nhập cư vào thành phố tăng cao; làm hệ thống hạ tầng giao thông đô thị quá tải.
Tính đến ngày 15/7, thành phố đang quản lý hơn 7,2 triệu phương tiện (trong đó hơn 6,5 triệu xe máy). Trung bình mỗi năm lượng xe máy tăng từ 300.000- 350.000 chiếc (tăng 10%), chưa kể khoảng 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hàng ngày trên đường thành phố. Trong khi đó, diện tích đường giao thông chỉ tăng 2%. Như vậy số phương tiện này sẽ gần như xếp kín 26 triệu km2 mặt đường. Vì lẽ đó, hạn chế phương tiện xe cá nhân được xem là một trong những giải pháp lâu dài.
Ông Bùi Văn Quản đề xuất, tại các khu vực hay kẹt xe nên tăng cường cảnh sát giao thông để điều tiết, phân luồng. Người dân cần ý thức, tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đừng vì lý do sớm-muộn mà leo lề, đi ngược chiều, lấn tuyến gây ách tắc.
Về giải pháp vĩ mô, ông Bùi Văn Quản cho rằng cần quy hoạch lại hệ thống giao thông thành phố, muốn vậy Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xem xét, đầu tư đường sá, kết nối các khu đô thị, khu cảng biển, bến bãi.
Bàn về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải tổ chức lại giao thông, điều chỉnh phân luồng lại giao thông ở một số khu vực, tiến hành lắp đặt thêm một số dải phân cách trên một số tuyến đường, cải tạo một số nút giao, vỉa hè, mở rộng nhiều tuyến đường. Đơn cử, cần điều chỉnh phân luồng giao thông ở đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, đường Hoàng Minh Giám, lắp đặt dải phân cách ở đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, cải tạo vỉa hè tuyến đường Cộng Hòa, mở rộng lòng đường khu vực giao lộ Bình Giã, điều chỉnh tổ chức giao thông tại các khu vực đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, nút giao Thủ Đức, nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ...
Ngoài ra cũng cần bố trí lực lượng tham gia điều tiết giao thông trước và trong các giờ cao điểm tại các nút giao trọng điểm. Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Ngọc Tường nêu quan điểm cần hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chở lớn, rà soát, xây dựng một số hầm chui, cầu vượt, di dời nhiều cảng biển, bến xe ra ngoài trung tâm thành phố…
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, thành phố cần điều chỉnh quy hoạch giao thông cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân để đưa ra các phương án, kịch bản phát triển giao thông một cách bền vững. Cùng với đó cần kiên quyết giải tỏa lòng lề đường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.
Trong khi đó, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính giai đoạn 2016-2020, thành phố cần trên 124.190 tỷ đồng để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như cầu vượt thép tại nút giao Ngã 6 Gò Vấp, nút giao thông Vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh, xây dựng hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa-Trường Chinh, nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố như Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, đường Tân Kỳ Tân Quý…
Thành phố cũng sẽ rà soát, đẩy nhanh các thủ tục để sớm triển khai dự án các bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm, cầu đường Bình Tiên, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu đường Bình Triệu 2... phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm (tuyến số 1), xe buýt nhanh (tuyến số 1), điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt.
Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức lại giao thông tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát, các dãy phân cách tại các khu vực, nghiên cứu các giải pháp nhằm hạn chế dần các phương tiện cá nhân lưu thông vào khu vực trung tâm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thành lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh…/.