Đẩy mạnh hợp tác trong kết nối chuỗi cung ứng giữa Việt Nam-Ấn Độ

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hai nước Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong kết nối chuỗi cung ứng, trong đó có các chuỗi cung ứng về thiết bị y tế, dược phẩm, vaccine của Ấn Độ.
Đẩy mạnh hợp tác trong kết nối chuỗi cung ứng giữa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham dự Hội nghị Kinh tế Ấn Độ 2021. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM (Quan chức cấp cao) ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng vừa tham dự Hội nghị Kinh tế Ấn Độ năm 2021 trực tuyến (IEC).

Với chủ đề: “Thập kỷ của Ấn Độ: Cải cách-Triển khai-Chuyển đổi,” IEC 2021 là hội nghị lần thứ 7 do Times Network tổ chức với 33 tham luận của 10 Bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ liên bang, hai Tư lệnh Quân đội, bốn lãnh đạo địa phương của Ấn Độ, nhiều lãnh đạo các tập đoàn, chuyên gia kinh tế và quan chức cao cấp của các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishanka và Bí thư Đối ngoại Harsh Vandarh Shringla tham gia phát biểu tại Hội nghị.

[Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác đầu tư song phương]

Diễn ra ngày 26/3, trong thời điểm có tính chuyển giao, diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các chính trị gia, giới chức và doanh nghiệp Ấn Độ về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ thời kỳ hậu dịch COVID-19.

Các tham luận tại Hội nghị đều định vị Ấn Độ là một nước lớn đang trỗi dậy với vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực.

Thập kỷ 2021-2030 là giai đoạn bản lề trong tiến trình phát triển của Ấn Độ, đưa nước này thành một công xưởng mới của thế giới.

Các bộ trưởng của Chính phủ liên bang trình bày kế hoạch hành động quốc gia trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cũng thảo luận các chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế ở khu vực, các cơ hội và thách thức chủ yếu trong các lĩnh vực cụ thể, nhu cầu đối với hạ tầng phát triển và các động lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 7,4% (giai đoạn 2001-2010) và 6,76% (giai đoạn 2011-2019).

Các định chế tài chính quốc tế dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12% trong năm tài chính 2021-2022.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tham dự với tư cách là diễn giả khách mời quan trọng của Hội nghị để bàn thảo về quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, để tận dụng cơ hội, giảm thiểu các nguy cơ, thích ứng với hoàn cảnh mới, các quốc gia phải điều chỉnh, đổi mới và chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững và cộng sinh.

Các nước, trong đó có Việt Nam, đều coi tăng trưởng cộng sinh, đôi bên cùng có lợi là một nội hàm quan trọng trong định hướng phát triển của mỗi nước. Theo đó, sự phát triển của quốc gia này không triệt tiêu sự phát triển của quốc gia khác mà ngược lại, phải góp phần kéo theo các quốc gia, khu vực khác cùng đi lên.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh mối liên kết bền chặt, lâu đời về văn hóa và lịch sử với khu vực Đông Nam Á, với một nền kinh tế có tiềm lực mạnh, có nền khoa học tiên tiến, Ấn Độ đã và đang là một quốc gia có trách nhiệm trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Sự phát triển của Ấn Độ đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng cộng sinh và phát triển, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, sự phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á cũng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của Ấn Độ.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu bật những thành công của Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 để phát triển, định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2030; đề nghị hai nước Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong kết nối chuỗi cung ứng, trong đó có các chuỗi cung ứng về thiết bị y tế, dược phẩm, vaccine của Ấn Độ.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho hàng hóa hai nước tiếp cận thị trường của nhau; tăng cường phối hợp lập trường, quan điểm trong cải cách WTO, định hình các quy tắc quản trị thương mại số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hợp tác sông Hằng-sông Mekong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.