Thời gian gần đây, cùng với việc nhiều biến thể phụ có tốc độ lây lan nhanh xâm nhập cộng đồng, các trường hợp mắc mới COVID-19 tăng, do đó bệnh nhân trong tình trạng nặng cũng gia tăng.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế và các địa phương tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19.
Biến thể phụ BA.5 đang chiếm ưu thế
Theo thống kế của Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Tổng số ca mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua ở Việt Nam khoảng 18.500 ca, trung bình khoảng 2.500 ca/ngày.
[Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 của nhiều tỉnh, thành còn thấp]
Chính vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc COVID-19 với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch...
Đáng lưu ý, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 của 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra cho thấy từ đầu năm 2022 đến ngày 15/8, các địa phương đã ghi nhận tổng cộng hơn 7,7 triệu ca mắc COVID-19 (chưa bao gồm 555.315 ca báo cáo bổ sung từ Hải Phòng và Thái Nguyên trong tháng 8/2022), chiếm 95% tổng số ca mắc của cả toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến giờ, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập.
Đỉnh dịch rơi vào tháng Ba, chiếm đến hơn 65% tổng số ca mắc, sau đó giảm sâu, liên tục. Từ tháng 7/2022 và tháng 8/2022, số mắc gia tăng nhẹ.
Về kết quả giải trình tự gene cho thấy trong số 456 mẫu được giám sát từ đầu năm đã phát hiện chủ yếu là chủng Omicron, chỉ có một số ít nhiễm chủng Delta. Nếu như những tháng đầu năm 2022, các ca mắc COVID-19 ở 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra chủ yếu nhiễm biến thể phụ BA.1 và BA.2 thì từ tháng 6/2022 đến nay, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Trong số 95 mẫu giải trình tự gene của tháng 8/2022 cho thấy có đến 60% ca COVID-19 nhiễm biến thể BA.5; 1 mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.
Trước đó, kết quả giải trình tự gene thực hiện trên 30 bệnh nhân nội trú và người đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp giải trình tự gene virus từ ngày 14-30/7 cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh.
Biến thể BA.5 của Omicron được đánh giá có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn, người từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có khả năng nhiễm biến thể BA.5. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2.
Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch
Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19.
Các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virrus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Biểu đồ về ca mắc mới COVID-19 trong 10 ngày gần đây:
Thống kê tại nhiều cơ sở điều trị cho thấy có khá nhiều ca COVID-19 nặng không tiêm đủ, chưa tiêm vaccine COVID-19 theo hướng dẫn... Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Hiện nay, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người suy giảm miễn dịch phải được mũi tiêm thứ 3, 4, bởi ở những đối tượng này khả năng tạo ra miễn dịch chống lại bệnh không như những nhóm khác.
Do đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả./.