Đẩy mạnh ứng dụng an toàn bức xạ phòng chống dịch COVID-19

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chiếu xạ khử khuẩn miễn phí cho thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch ở Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng an toàn bức xạ phòng chống dịch COVID-19 ảnh 1Bệnh nhi chuẩn bị được xạ hình. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Dấu mốc trong quá trình phát triển ngành năng lượng nguyên tử là Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và Luật Năng lượng nguyên tử đã mở ra hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử và kiểm soát an toàn bức xạ.

Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ngày càng đóng góp mạnh mẽ vào việc phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ bức xạ trong chẩn đoán, điều trị các bệnh hiểm nghèo ở Việt Nam nói riêng giúp nâng cao sức khỏe người dân.

Nhiều ứng dụng bức xạ trong y tế

Theo báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến đóng góp rất quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh hiểm nghèo, số lượng bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tăng hàng năm và nhiều bệnh mới được phát hiện.

Ở Việt Nam, bệnh nhân mắc bệnh ung thư có khoảng 160.000 ca mới mỗi năm, do đó, các nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân, trên 45 thiết bị xạ hình trong đó có nhiều thiết bị hiện đại như máy cắt lớp phóng xạ (SPECT/CT), máy ghi hình chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao (PET/CT), đạt tỷ lệ gần 0,5 máy/1 triệu dân.

Các kỹ thuật xạ hình bằng máy SPECT và SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện cho hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm.

Kỹ thuật xạ hình PET/CT sử dụng 18F-FDG, công nghệ tiên tiến của thế giới đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán-điều trị ở các khoa y học hạt nhân một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhờ công nghệ sản xuất đồng vị phóng xạ trên máy gia tốc cyclotron.

[Việt Nam không có thêm ca mắc mới, bệnh nhân 19 khỏi bệnh]

Ngoài ra, cả nước hiện có gần 40 cơ sở xạ trị - phần lớn tập trung tại các thành phố lớn, trên 70 thiết bị xạ trị, đạt tỷ lệ gần 0,75 thiết bị/1 triệu dân.

Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam. Nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đã đưa vào sử dụng hệ thống máy gia tốc xạ trị LINAC thế hệ mới hiện đại giúp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh ung thư.

Trong lĩnh vực điện quang, cả nước có khoảng 174 máy chụp cắt lớp vi tính (CT), 51 máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và 21 máy chụp mạch máu... trong khi máy X-Quang thường quy đã được trang bị đến các bệnh viện tuyến huyện thì các kỹ thuật cao về điện quang đã được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành để hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe bệnh nhân.

Các hệ thống ghi hình tích hợp bằng hệ thống SPECT/CT, PET/CT đang trở thành công cụ thiết yếu quan trọng cho ngành ung bướu, tim mạch, thần kinh… ở Việt Nam.

Đặc biệt, công nghệ tích hợp PET/MRI là công nghệ hiện mới chỉ được áp dụng ở một số nước phát triển trên thế giới, dự kiến công nghệ này sẽ được đưa vào sử dụng ở Việt Nam trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh.

Theo báo cáo, hiện nay lượng dược chất và đồng vị phóng xạ được sản xuất từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các máy gia tốc cyclotron trong nước khoảng 600Ci/năm, đáp ứng gần 50% nhu cầu chẩn đoán và điều trị, phần còn lại được cung cấp từ nguồn nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp.

Để đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe nên nhu cầu nhập khẩu dược chất và đồng vị phóng xạ ngày càng cao.

Chiếu xạ miễn phí thiết bị phòng, chống dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhằm chung tay với cộng đồng trong công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) hiện đang chiếu xạ khử khuẩn miễn phí cho thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch ở Việt Nam.

Đẩy mạnh ứng dụng an toàn bức xạ phòng chống dịch COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế vận hành máy xạ trị gia tốc tuyến tính hiện đại nhất Việt Nam Varian Clinac iX để điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khuyến khích các nước sử dụng phương pháp chiếu xạ (bức xạ ion hóa) như một biện pháp đảm bảo vô trùng các dụng cụ, vật phẩm y tế. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến trên thế giới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 toàn cầu.

Công nghệ bức xạ bằng nguồn Co-60 và máy gia tốc đã được các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp ứng dụng thành công và hiệu quả ở Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp, được đánh giá là một trong những nước có số lượng thiết bị tương đối nhiều ở Đông Nam Á.

Doanh thu từ chiếu xạ quy mô công nghiệp phục vụ chiếu xạ xuất khẩu đối với các loại hàng hóa vào các thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật, Australia… ngày càng tăng, đạt hàng trăm tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp hiện tại do dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, các quốc gia đã buộc thay đổi phương pháp khử trùng đối với những dụng cụ, vật phẩm y tế. Phương pháp chiếu xạ hiện đang ngày càng khẳng định ưu thế khi có thể giảm thời gian khử trùng xuống còn một ngày.

Chiếu xạ thiết bị y tế là công nghệ sử dụng năng lượng bức xạ ion hóa để xử lý sản phẩm, cụ thể nguồn bức xạ được sử dụng để khử trùng các dụng cụ y tế là nguồn phát tia gamma. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng so với xử lý thông thường mà còn kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm.

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sát khuẩn luôn luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu, từ khi bắt đầu có thông tin về dịch COVID-19 đến nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội liên tục chiếu xạ thanh trùng miễn phí 7 lần cho khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế dùng trong công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện.

Đặc biệt tại điểm "nóng" Bệnh viện Bạch Mai thời điểm dịch, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã chiếu xạ thanh trùng hơn 100.000 khẩu trang nano; hơn 22.000 khẩu trang N95 và hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế cho bác sỹ và cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai.

Trong thời gian tới, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị y tế sử dụng trong các đơn vị tuyến đầu chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục