Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, huy động nguồn lực của toàn xã hội để tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo được chăm sóc sức khỏe.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ảnh 1Khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tại Bắc Kạn. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm chuyên gia "Thực trạng xã hội hóa y tế ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay, giải pháp chính sách giai đoạn 2015-2020."

Ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì tọa đàm.

Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc cải cách khu vực dịch vụ công, trong đó đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức sự nghiệp công luôn là một ưu tiên.

Mục đích chính yếu là đảm bảo cho mọi người dân Việt Nam ngày càng được hưởng thụ những dịch vụ công tốt hơn, công bằng hơn.

Xã hội hóa y tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số văn kiện của Đảng, Quốc hội và quy định chi tiết cụ thể tại một số Nghị định của Chính phủ.

Thực hiện chủ trương này, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác y tế, tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh, đồng thời mỗi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện biện pháp tự giữ gìn, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, thời gian qua (từ năm 2006 đến năm 2014), Nhà nước đã dành hơn 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho nâng cấp, sửa chữa hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương.

Cơ sở vật chất cho y tế, nhất là tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện nay đã được đầu tư khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xã hội hóa đã đáp ứng nhu cầu chuẩn đoán, điều trị; phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.

Xã hội hóa y tế bước đầu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.

Người dân, trong đó có cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ y tế, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được bảo hiểm y tế thanh toán.

Xã hội hóa góp phần tăng nguồn thu, bổ sung kinh phí hoạt động của các đơn vị, tăng thu nhập cho cán bộ ngành y.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định xã hội hóa là một chủ trương hết sức đúng đắn, huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các đại biểu đã thảo luận thống nhất cách tiếp cận về xã hội hóa công tác y tế; nêu lên những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa y tế trên một số mặt: liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị việc hình thành các khu khám bệnh tự nguyện, theo yêu cầu tại bệnh viện công lập; chính sách bảo hiểm y tế, đào tạo nhân lực; hợp tác công-tư trong xây dựng bệnh viện; hoạt động dịch vụ của bệnh viện tư nhân.

Trên cơ sở đó, các đại biểu kiến nghị một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ của xã hội.

Các đại biểu cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến công tác y tế dự phòng; đầu tư cho y tế tuyến xã; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện công cùng với chấn chỉnh kỷ cương trong các bệnh viện.

Để đẩy mạnh xã hội hóa y tế, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường dịch vụ y tế; thúc đẩy sự phát triển hệ thống y tế tư nhân, xây dựng chiến lược hỗ trợ nhau cho y tế công và tư; công khai minh bạch các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, công tác truyền thông cần được tăng cường, góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ y tế và nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Các ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tập hợp, tiếp thu để đề xuất, tham mưu xây dựng một hệ thống chính sách xã hội hóa y tế cho giai đoạn 2015-2020 phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục