Đẩy nhanh tiến độ xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám, chữa bệnh

Xếp cấp chuyên môn kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm thực hiện đúng quy định và hoàn thành việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2025.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành, các Bệnh viện trường đại học và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về xếp cấp chuyên môn kỹ thuật và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023 và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Tiến sỹ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, xếp cấp chuyên môn kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, để bảo đảm thực hiện đúng quy định và hoàn thành việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2025.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện xếp cấp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và gửi báo cáo về Bộ Y tế trước 30/10 tới.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đến ngày 23/10 vừa qua đã có 1.170 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã chấm điểm xếp cấp và báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là hai đơn vị xếp cấp được nhiều bệnh viện trực thuộc nhất. Kết quả phản ánh đúng năng lực chuyên môn và thực trạng bệnh viện.

Tuy nhiên cũng còn một số bệnh viện khó khăn trong quá trình xếp cấp như các tiêu chí về năng lực và phạm vi hoạt động chuyên môn chưa phù hợp với các bệnh viện chuyên khoa và khó thực hiện ở tuyến tỉnh; tiêu chí về xây dựng tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng thực hiện chấm điểm không thống nhất giữa các cơ sở…

Hiện vẫn còn hơn 20 Sở Y tế chưa gửi báo cáo về Bộ Y tế về xếp cấp. Nhiều Sở Y tế xếp cấp được ít các đơn vị dù Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở.

Tại buổi họp trực tuyến, Sở Y tế Hà Nội, đơn vị đầu tiên hoàn thành việc xếp cấp 100% các đơn vị trên địa bàn đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xếp cấp.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế Hà Nội cho biết Sở Y tế Hà Nội đã xếp cấp và thẩm định 86 bệnh viện, gồm 45 bệnh viện công lập (có 41 bệnh viện trực thuộc Sở, bốn bệnh viện bộ, ngành) và 41 bệnh viện tư nhân.

co so kham chua benh 2.jpg
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Có chín bệnh viện đạt ≥ 70 điểm, trong đó sáu bệnh viện công lập như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (84 điểm), Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (81 điểm), Bệnh viện Tim Hà Nội (75 điểm), Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội (71 điểm), Bệnh viện Thanh Nhàn (70 điểm), Bệnh viện đa khoa Đức Giang (70 điểm); ba bệnh viện tư nhân là Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec (78 điểm), Bệnh viện Phụ sản Thiên An (75 điểm), Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (73 điểm).

Tính tổng toàn thành phố Hà Nội có 9% số bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp chuyên sâu và 91% bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp cơ bản.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật giúp các Sở Y tế nắm rõ thực trạng các bệnh viện và đảm bảo công bằng giữa các bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của các đơn vị, Tiến sỹ Hà Anh Đức đề nghị các đơn vị tham dự cuộc họp trực tuyến tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện đẩy nhanh tiến độ xếp cấp, cập nhật về Bộ Y tế.

Từ năm 2025, bên cạnh việc đánh giá chất lượng bệnh viện bằng Bộ 83 Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện, các bệnh viện phải thực hiện Bộ tiêu chuẩn Chất lượng bệnh viện theo Điều 89, 90 và 104 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

“Các đơn vị phải chỉ ra được đơn vị nào có bao nhiêu đơn vị thuộc cấp ban đầu, thuộc cấp cơ bản và cấp chuyên sâu; những khó khăn vướng mắc gặp phải khi thực hiện Nghị định 96 và Thông tư 32…

Trong phạm vi quản lý của mình, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ cùng các đơn vị giải quyết những khó khăn khi triển khai xếp cấp,” Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu rõ.

Tại cuộc họp, các đại biểu nghe dự thảo Thông tư Quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Trong đó Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Giám đốc Sở Y tế sẽ được phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình để giải quyết nhanh thủ tục hành chính và tránh chồng chéo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.