Tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Nhấn mạnh vấn đề y đức trong ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Quy định đầy đủ nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.

Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật.

ttxvn_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_luat_bao_hiem_y_te_va_luat_nha_giao_2509-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dân quân tự vệ... Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với việc bổ sung này. Tuy nhiên đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện việc mở rộng các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng, nhóm do người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó có đối tượng “hoạt động không chuyên trách ở cấp xã,” “làm việc trong tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ,” “thân nhân của dân quân thường trực” để có căn cứ xem xét, quyết định. Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để quy định đầy đủ thành phần các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Điều 32 về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như dự thảo Luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là việc đánh giá tính hợp lý của cung cấp dịch vụ y tế khi giám định bảo hiểm y tế; việc ‟treo” quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là do khó đạt được thống nhất giữa cơ quan thực hiện giám định và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tính hợp lý của việc cung ứng dịch vụ; có ý kiến cho rằng Bảo hiểm xã hội không đủ năng lực để thực hiện, do vậy, đề nghị nghiên cứu sửa lại khái niệm “giám định bảo hiểm y tế” tại Luật hiện hành.

Chỉ đưa vào luật những nội dung đã chín, đã rõ

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; tán thành cơ bản với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội.

Để đảm bảo Luật có thể được trình và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, các đại biểu đề nghị Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đưa vào Luật những nội dung, quy định đã chín, đã rõ, được đánh giá tác động, được thống nhất và được kiểm nghiệm trong thực tiễn, không sa đà vào những chính sách, quy định mới mà chưa đánh giá tác động và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vấn đề bức xúc hiện nay là việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức khám bệnh, cách thức quản lý, cung ứng dịch vụ y tế, cách thức tổ chức việc giám định và thanh toán chi phí.

Nhấn mạnh vấn đề y đức trong ngành y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế. "Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám bảo hiểm y tế được đối xử công bằng," Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

ttxvn_ubtv_quoc_hoi_cho_y_kien_ve_luat_bao_hiem_y_te_va_luat_nha_giao_2509-3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia là đúng với định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; tuy nhiên, cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, không ai bị giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại. Đây là vấn đề là ngành Bảo hiểm xã hội phải tính toán, cân nhắc thật kỹ, đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại khu vực khó khăn, người cao tuổi, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

Bên cạnh đó, chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là quy định nhân văn nhưng cần được xem xét, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, tính phổ quát, tính công bằng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm y tế. Quy định này rất cần thiết để làm rõ và nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông Cường đề nghị rà soát để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, vì việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện nay đều do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện.

Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa để tăng tính chủ động cho địa phương cũng như cho cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi của người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giải quyết có hiệu quả những vấn đề vướng mắc, bức xúc phát sinh hiện nay liên quan đến bảo hiểm y tế như cập nhật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, danh mục thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, vấn đề thẩm định bảo hiểm y tế, vấn đề chuyển tuyến, cấp thẻ bảo hiểm y tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục