Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai trên cả nước, ngày 9/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 30 tỉnh, thành phố thực hiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG) gấp rút triển khai, hoàn thành tiến độ trước tháng 6/2023.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện dự án VILG diễn ra sáng nay, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý dự án VILG cho biết dự án này sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, thực hiện từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2023, tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay, dự án VILG đã hoàn thành kết nối vận hành cơ sở dữ liệu đất đai gia tại 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ vận hành cơ sở dữ liệu đất tại các huyện tham gia dự án; ngoài ra có 40 quận, huyện thuộc 6 tỉnh, thành phố ngoài dự án tham gia kết nối.
Bên cạnh đó, ngày 29/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Trong 305 huyện đã kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư có 281 huyện của dự án VILG.
Về triển khai các dịch vụ kết nối về đất đai trên hệ thống thông tin đất đai Hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) và việc quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương, đến nay dự án đã kết nối liên thông thuế điện tử tại 24/30 tỉnh, thành phố; kết nối hệ thống 1 cửa điện tử tại 18/30 tỉnh; kết nối cổng dịch vụ công quốc gia về dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4 cho 30/30 tỉnh.
Tuy vậy, ông Trường cũng lưu ý bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình triển khai dự án hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác giải ngân còn thấp (dự án có tổng vốn sau điều chỉnh hơn 125 triệu USD, tuy nhiên tính đến ngày 31/1/2023, mới giải ngân được 48,752 triệu USD - đạt 38,8%).
Bên cạnh đó, khối lượng công việc cần phải thực hiện còn nhiều. Quá trình triển khai dự án VILG gặp nhiều khó khăn do những điều chỉnh về cơ chế tài chính, bố trí vốn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, lúng túng trong thực hiện các quy định của nhà tài trợ, năng lực còn hạn chế của các ban quản lý dự án, của các nhà thầu.
Đáng chú ý, hiện nay, có 1 địa phương xin rút khỏi dự án VILG là tỉnh Khánh Hòa.
Nhấn mạnh dự án VILG chỉ còn gần 5 tháng nữa sẽ kết thúc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của dự án VILG ở trung ương cũng như ở địa phương trong năm 2023 là phải tập trung nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết, đạt được các mục tiêu đã đề ra.
[28 bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai]
Vì vậy, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Ngân đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo bố trí đủ các nguồn vốn bao gồm vốn IDA và vốn đối ứng trong tháng 2/2023, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết.
Cùng với đó, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án cấp tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, nghiệm thu cơ sở dữ liệu đất đai và đưa ngay vào vận hành, khai thác sử dụng; xây dựng phương án tiếp nhận sản phẩm, phương án vận hành cơ sở dữ liệu sau khi dự án kết thúc.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề Ngân hàng thế giới nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ hoàn thành ký kết Hiệp định điều chỉnh của dự án; hỗ trợ các chuyên gia để triển khai các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ chuyên sâu hỗ trợ về chính sách đất đai, Luật đất đai như sau: Lộ trình phát triển Hệ thống thông tin đất đai quốc gia bền vững; tích hợp Hệ thống thông tin địa lý và Hệ thống thông tin đất đai; lộ trình chuyển đổi và hiện đại hóa công tác định giá đất đai; nghiên cứu về việc thu hồi đất.
Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nhân đề nghị Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Vụ Hợp tác quốc tế khẩn trương phối hợp Bộ Tài chính, các bộ ngành, có liên quan hoàn thành việc ký kết Hiệp định điều chỉnh dự án; tăng cường tập trung theo dõi, giám sát tình hình thực hiện dự án của các địa phương, đặc biệt các tỉnh đang chậm tiến độ, nắm bắt khối lượng, chất lượng, tỷ lệ giải ngân, kịp thời đưa ra giải pháp để tháo gỡ cùng địa phương.../.