Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ ngày 20/2 đến 15/3/2023, cơ quan này sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại 8 tỉnh, thành phố chia theo các khu vực trên cả nước.
Việc tổ chức các đoàn công tác trên nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Theo kế hoạch, các đoàn công tác sẽ triển khai đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại Hòa Bình và Lạng Sơn; khu vực đồng bằng Sông Hồng tại Thái Bình; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tại Nghệ An và Đà Nẵng; vùng Tây Nguyên tại Gia Lai; vùng Đông Nam Bộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
[Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến dân trong dự thảo Luật Đất đai]
Cũng trong tháng Hai và tháng 3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023./.