Sau hơn 2 tháng thông xe và đưa vào khai thác, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ Cù Mông) vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thời gian thu phí từ ngày 1/4 tới đây.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng số 08/PLHĐ- 26/HĐ.BOT- BGTVT ngày 21/1/2019 thống nhất mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ Cù Mông.
[Thông xe hầm Cù Mông tạo điều kiện phát triển liên kết vùng]
Theo đó, mức giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ tại trạm thu phí hầm Cù Mông đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 60.000 đồng/lượt (vé tháng 1, 8 triệu đồng, vé quý là hơn 4,8 triệu đồng); Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giá vé là 70.000 đồng/lượt (vé tháng 2,1 triệu đồng, vé quý là 5,67 triệu đồng).
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giá vé 120.000 đồng/lượt (vé tháng là 3,6 triệu đồng, vé quý 9,72 triệu đồng); Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet giá vé 140.000 đồng/lượt (vé tháng là 4,2 triệu đồng, vé quý là 11,34 triệu đồng); Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí 220.000 đồng/lượt (vé tháng 6,6 triệu đồng, vé quý là 17,82 triệu đồng).
Hầm Cù Mông được thông xe vào ngày 21/1 vừa qua (trước 2,5 tháng) so với mốc 31/3/2019 do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đây là 1 trong 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Sau khi đưa vào sử dụng, các phương tiện giao thông chỉ mất 6 phút di chuyển cho đoạn đường bao gồm 2,6km hầm và 4,02km đường dẫn.
Hầm Cù Mông có tổng chiều dài 6,6km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Hầm gồm hai ống ngầm cách nhau khoảng 30m. Mỗi ống rộng 10m, gồm hai làn ôtô, với vận tốc thiết kế 80km/giờ. Ban đầu, nhà đầu tư khai thác ống phía Tây, ống còn lại dùng để lánh nạn.
Được khởi công từ tháng 9/2015, hầm đường bộ Cù Mông có tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm Đèo Cả.
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, trên tuyến Quốc lộ 1, nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Hầm có điểm đầu tại km1239+119 Quốc lộ 1 ở phía Bắc đèo Cù Mông thuộc địa phận phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và điểm cuối tại km1247+739 Quốc lộ 1 ở phía Nam đèo Cù Mông thuộc địa phận thị xã Sông Cầu (Phú Yên), được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản và các tiêu chuẩn khác của Việt Nam.
Sau khi hoàn thành, hầm Cù Mông có vai trò kết nối, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông trên "cung đường đen" Quốc lộ 1 đoạn giữa Bình Định và Phú Yên; thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực này phát triển đột phá.
Hầm Cù Mông là một hạng mục thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, trước đó, hầm Đèo Cả đã được thông xe vào ngày 21/8/2017 sau gần 5 năm thi công, giúp ôtô từ Khánh Hòa đi Phú Yên và ngược lại chỉ 10 phút, so với trước hơn một giờ./.