Hiện nay, ngành y khoa thế giới đã phát minh ra các loại thuốc điều trị ung thư có hiệu quả cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh ung thư đòi hỏi liệu trình điều trị kéo dài với chi phí không hề nhỏ, gây áp lực tài chính lớn cho cả bệnh nhân và gia đình của họ.
Phó giáo sư Lê Văn Hợi - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện K), cho biết để ngăn ngừa nguy cơ gia tăng ca mắc ung thư và giảm gánh nặng điều trị cho người bệnh tại Việt Nam, các bệnh viện mong muốn có những cơ chế tài chính phù hợp nhằm giúp đưa các loại thuốc tiên tiến vào Việt Nam với mức chi trả phù hợp, tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận bền vững.
[Việt Nam có hơn 300.000 người đang 'chung sống' với bệnh ung thư]
“Thực tế đội ngũ y bác sỹ của Việt Nam có đủ trình độ và năng lực điều trị bệnh nhân ung thư theo những liệu pháp mới nhất, tiên tiến nhất. Sự hỗ trợ từ cơ chế cung cấp thuốc sẽ góp phần giúp các bác sỹ điều trị đạt hiệu quả mong muốn,” Phó giáo sư Lê Văn Hợi nhấn mạnh.
Hiện nay, hai liệu pháp ung thư tiên tiến nhất giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. Nhưng liệu pháp miễn dịch, đã được Bộ Y tế phê duyệt và MSD tiên phong giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2017, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào Danh mục thuốc được chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế. Do vậy, những bệnh nhân ung thư không phù hợp với điều trị đích nhưng cũng không có cơ hội tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch mới thông qua kênh bảo hiểm y tế chi trả.
Theo thống kê của Bộ Y tế, một hướng đi mới trong cuộc chiến chống ung thư là liệu pháp miễn dịch - phương pháp sử dụng sức mạnh của chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Bước đầu, phương pháp này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho bệnh nhân ung thư.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2 (Bệnh viện K) cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân được điều trị theo liệu pháp miễn dịch ở bệnh viện. Điển hình như bệnh nhân T.T.Đ, 74 tuổi, bị chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau nhiều năm kiên trì chống chọi với căn bệnh quái ác, cùng với sự nỗ lực điều trị của các bác sỹ song không hiệu quả. Sau đó, các bác sỹ quyết định cho người bệnh sử dụng thuốc miễn dịch kết hợp hoá trị. Kết quả, người bệnh đã đáp ứng một phần, dung nạp thuốc tốt, cuộc sống với sức khỏe cải thiện nhiều.
Để áp dụng liệu pháp này trên một người bệnh, các bác sỹ sẽ đánh giá các yếu tố về giải phẫu bệnh, sinh học phân tử. Sau đó lựa chọn điều trị tuỳ theo chỉ định, theo dõi và đánh giá hiệu quả.
“Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều bệnh nhân được tiếp cận liệu pháp này một cách bền vững do gánh nặng tài chính. Để nhiều bệnh nhân ung thư tiếp cận được liệu pháp này, bảo hiểm y tế nên chi trả một phần ở những nhóm bệnh nhân mà điều trị miễn dịch đem lại nhiều lợi ích,” tiến sỹ Nguyễn Thị Thái Hòa chia sẻ.
Việt Nam là một quốc gia cập nhật nhanh các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy nhiên, làm thế nào để bệnh nhân đủ điều kiện có thể tiếp cận liệu pháp điều trị mới một cách bền vững vẫn là một thách thức, đặc biệt khi tỷ lệ tự chi trả cho chi phí y tế ở Việt Nam vẫn ở mức cao (chiếm 43% trong tổng chi tiêu y tế theo báo cáo năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả là rất cần thiết, cũng như cần sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhằm giúp sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế một cách hiệu quả nhất.
Phó giáo sư Trần Thị Thanh Hương - Phụ trách Viện ung thư quốc gia, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu khoa học (Đại học Y Hà Nội), cho biết tại Bệnh viện Đại học Y, trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhân tới khám có giảm, nhưng hiện nay, số lượng bệnh nhân tới khám lại có xu hướng tăng trở lại, khoảng 30%. Những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam đối với cả nam giới và phụ nữ là ung thư phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng, song bất kỳ loại ung thư nào cũng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Quá trình điều trị ung thư thường kéo dài và đòi hỏi phải tuân thủ đúng liệu trình chữa trị, máy móc chuyên biệt tại bệnh viện và cơ sở y tế. Bởi vậy, xu hướng bệnh ung thư gia tăng sẽ kéo theo nhiều gánh nặng đối với hệ thống y tế, và gia đình của bệnh nhân./.
Theo thống kê về dịch tễ ung thư của GLOBOCAN năm 2020, Việt Nam xếp 91/185 về tỷ suất ca mới (tức trong 185 quốc gia/vùng lãnh thổ thì Việt Nam xếp thứ 91 về số ca mắc mới) và xếp thứ 50/185 về tỷ suất ca tử vong, trong khi năm 2018 những con số này lần lượt là 99/185 và 56/185. Những con số này cho thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. |