Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình gia cố các hầm yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, địa điểm 22 hầm yếu được gia cố này nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đi qua 6 tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Giải thích về lý do thực hiện dự án, theo ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay, thị phần đường sắt mới chỉ dừng ở mức 2,19% về hành khách và 1,2% về hàng hóa so với toàn ngành, tăng trưởng bình quân mỗi năm tăng từ 11-13% về hành khách và 8-10% hàng hóa. Năng lực thông qua yêu cầu giai đoạn 2010, 2020 đều vượt năng lực thông qua của tuyến đường hiện tại.
“Đặc biệt, trên đoạn Đồng Hới-Nha Trang (phạm vi dự án) gần như thấp nhất trên toàn tuyến, nguyên nhân là do tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, số lượng và chất lượng hầm yếu không đảm bảo kỹ thuật, số lượng điểm hạn chế tốc độ lớn ảnh hưởng đến tốc độ và an toàn chạy tàu nên không tăng được thị phần vận tải so với các loại hình vận chuyển khác. Do vậy, việc đầu tư dự án trên là hết sức cần thiết và là yêu cầu cấp bách,” ông Đới Sỹ Hưng cho hay.
Theo kế hoạch, các hầm này sẽ được làm mới kết cấu vỏ những vị trí hiện tại bị hư hỏng, cải thiện tình trạng thấm dột vỏ hầm bằng giải pháp thu gom nước ngầm phía sau vỏ hầm, nâng cấp hệ thống thoát nước dọc hầm.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.986 tỷ đồng được huy động bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp và vốn trái phiếu Chính phủ.
Sau khi đầu tư gia cố xong 22 hầm sẽ tăng độ an toàn cho vận tải đường sắt, tăng năng lực lưu thông hành hóa và hành khách, giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh của phương tiện vận tải khác.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và thông qua cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn cho phép triển khai, tiến độ dự án sẽ hoàn thành trong vòng 63 tháng./.