Ngày 8/10, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nêu 11 kiến nghị đối với Bộ Giao thông Vận tải về các vấn đề khắc phục bất cập, hư hỏng trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 19; Dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1; cấp phép hoạt động dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways); hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển; đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 19B, 19C; Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế.
Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị xử lý bất cập về mức giá sử dụng đường bộ tại các trạm BOT; hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, bảo trì hệ thống đường địa phương; bố trí kinh phí thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1; di dời tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn, ga đường sắt Quy Nhơn và nâng cấp, mở rộng ga Diêu Trì; điều chỉnh quy hoạch cảng Nhơn Hội.
Trong những nội dung trên, tuyến đường Quốc lộ 1 bị hư hỏng nặng từ ngay sau khi đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015 gây bức xúc cho người dân địa phương và người đi đường, chủ phương tiện cơ giới.
Mặt đường Quốc lộ 1 dọc tỉnh Bình Định bị xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc hàng loạt, xuất hiện vô số ổ voi, ổ gà. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do mặt đường xấu... nhưng việc sửa chữa thì ì ạch, kéo dài. Các chủ đầu tư Trạm thu phí Bắc và Nam Bình Định chỉ sửa chữa lấy lệ.
Dự án nâng cấp tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định được chia làm 3 dự án lớn; hai đầu Bắc và Nam được đầu tư theo hình thức BOT. Riêng đoạn giữa dài 59km được nâng cấp bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
[Quốc lộ 1A đoạn đi qua Bình Định bị hư hỏng nghiêm trọng]
Tuyến Quốc lộ 1 Bắc Bình Định chỉ dài 28km nhưng nhà đầu tư chỉ đầu tư nâng cấp 23km, sử dụng 5km đường cũ không cần nâng cấp. Tuyến Nam Bình Định chỉ dài 40,6km nhưng cũng có 5km nhà đầu tư không đầu tư nâng cấp và có 18km đường thuộc địa phận tỉnh Phú Yên.
Tuy nhiên, hai đầu tỉnh Bình Định được đặt hai trạm thu phí BOT khiến người dân và chủ phương tiện qua lại hiểu rằng các nhà đầu tư này đầu tư toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 qua Bình Định.
“Tuy đã có chính sách giảm giá thu phí tại các trạm BOT nhưng việc giảm giá tại các trạm BOT này (và cả trạm BOT Quốc lộ 19) diễn ra không đồng bộ, tiến độ triển khai chậm. Do đó, cử tri, nhân dân và các chủ phương tiện tại các địa phương rất bức xúc và kiến nghị nhiều lần,” ông Phan Cao Thắng nói.
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết là đơn vị quản lý các dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua Bình Định, đơn vị đã thực hiện sửa chữa nhiều lần tuyến đường này.
Tuy nhiên, gần đây, đơn vị phát hiện chất lượng đá khai thác tại Bình Định không đảm bảo sự kết dính với nhựa đường. Do vậy, đơn vị đang phải sử dụng nguồn đá từ Phú Yên, Quảng Ngãi để sửa chữa dứt điểm tình trạng hư hỏng.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, "dự án BOT nào có vấn đề, các tổng cục, cục trực thuộc Bộ phải kiểm tra, đề xuất quyết liệt các phương án sửa chữa đảm bảo êm thuận cho nhân dân đi lại. Trong trường hợp dự án nào để hư hỏng kéo dài, không sửa chữa thì đề xuất đóng cửa trạm thu phí BOT."
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình thường xuyên kiểm tra, nếu thấy phù hợp thì đề xuất đóng cửa các trạm thu phí BOT để làm gương cho những dự án khác.
Về vấn đề mức giá thu phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu việc thu phí phải đảm bảo phương án tài chính của dự án. Những vấn đề hư hỏng mặt đường gây bức xúc này phải được sửa chữa dứt điểm ngay trong năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giao các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng địa phương triển khai chuẩn bị, xây dựng phương án đối với Cảng Hàng không Phù Cát, quy hoạch lại cảng Nhơn Hội...
Riêng với Cảng Hàng không Phù Cát, cần xây dựng nhà ga có công suất từ 5 triệu hành khách/năm trở lên để tránh bị quá tải liên tục sau mỗi lần nâng cấp./.