Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo trình Ủy ban Nhân dân thành phố xin ý kiến thành lập Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm phục vụ nhu cầu người dân và định hướng phát triển dịch vụ du lịch y tế.
Theo Sở Y tế thành phố, nhu cầu của người dân về kiểm tra sức khỏe bằng công nghệ cao ngày càng tăng cao. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có một trung tâm tầm soát sức khỏe hiện đại, đó là Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI), cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tổng thể theo tiêu chuẩn Nhật Bản (Ningen Dock). Dù hoạt động hết công suất, Trung tâm HECI chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, thời gian chờ đến lượt khám tầm soát trung bình từ 3 đến 6 tháng.
Do đó, việc thành lập và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao trên địa bàn thành phố không những đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố mà còn cung cấp thêm một loại hình cung ứng dịch vụ du lịch y tế cho người dân khu vực các tỉnh, thành phía Nam và khu vực các nước ASEAN trong tương lai không xa.
Việc thành lập Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao cũng giúp tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai và phát triển các kỹ thuật theo dõi tầm xa và phòng, chống bệnh sớm bằng công nghệ cao, tránh đầu tư dàn trải gây tốn kém và lãng phí các nguồn xã hội.
[Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật chính thức hoạt động]
Sau khi tham khảo mô hình Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thành lập Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao áp dụng theo mô hình này. Bởi lẽ, tiêu chuẩn quốc tế Ningen Dock về kiểm tra sức khỏe đã tạo ra tiếng vang và thương hiệu trên thế giới. Đây là mô hình cung ứng dịch vụ kiểm tra sức khỏe với nhiều điểm mới, tiên tiến về ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong tầm soát các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn rất sớm, chưa có triệu chứng. Kết quả kiểm tra sức khỏe có được từ các thiết bị y tế hiện đại của Nhật Bản và được kiểm tra thông qua hội chẩn từ xa với các chuyên gia hàng đầu thuộc các bệnh viện tại Nhật Bản.
Đối chiếu với năng lực của ngành y tế thành phố, Sở Y tế kiến nghị sử dụng đất tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) do bệnh viện này đã chuyển về cơ sở 2. Cùng với đó là huy động nhân sự từ các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối của thành phố. Do chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng không nhiều, ngân sách thành phố có thể hỗ trợ hoặc bệnh viện tự đi vay. Toàn bộ trang thiết bị do phía Nhật Bản đóng góp, như mô hình hợp tác ở Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật./.