Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho thành phố Đà Nẵng được thực hiện Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.
Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng ảnh 1Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bộ Xây dựng vừa đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho thành phố Đà Nẵng được thực hiện Đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Đây là loại hình nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhưng chưa cho thuê, cho thuê mua. Tổng số lượng căn hộ này tại Đà Nẵng là 846 căn (bao gồm: 286 căn của nhà T1 và T2 tại khu chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà; 230 căn mà thành phố mua lại của dự án nhà ở xã hội Blue House do Liên doanh DMC-579 làm chủ đầu tư và 330 căn tại khu chung cư Phong Bắc).

Đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội sẽ căn cứ theo đối tượng và điều kiện quy định tại Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên bán nhà ở xã hội cho đối tượng là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn thành phố đang có khó khăn về nhà ở.

Thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất giá bán và phương thức thanh toán áp dụng theo giá bán nhà ở xã hội được quy định tại Nghị định số 188 và Thông tư số 08; đồng thời bảo đảm nguyên tắc thu hồi vốn.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu đề xuất được chấp thuận, Đà Nẵng phải ban hành quy trình bán nhà ở này trên nguyên tắc giao cho Hội đồng bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của thành phố thực hiện việc xét duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện mua theo đúng quy định và trình thành phố quyết định phê duyệt danh sách.

Sở Xây dựng sẽ là cơ quan thường trực Hội đồng bán nhà ở thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở; thực hiện ký hợp đồng mua bán; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.

Số tiền thu được sau khi bán dự kiến là 322,4 tỷ, trong đó sẽ dành 73,6 tỷ đồng để hoàn trả lại tiền mua nhà xã hội từ dự án nhà ở Blue House. Số còn lại dùng để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó bao gồm bổ sung kinh phí để hoàn thiện cho các dự án đang xây dựng dở dang là: chung cư 7 tầng tại Khu E2-KDC Nam cầu Cẩm Lệ; chung cư 11 tầng tại Khu DC Phong Bắc; 1 khối nhà 9 tầng Khu chung cư Phước Lý và bố trí vốn cho dự án đã phê duyệt thiết kế hồ sơ, chờ khởi công là 2 khối nhà 9 tầng tại chung cư Phước Lý.

Việc bán nhà được triển khai đồng thời với việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội để bảo đảm đúng mục đích là hoàn thành nốt những dự án còn dở dang.

Bộ Xây dựng nhận nhận định việc Đà Nẵng đề nghị cho phép bán thí điểm nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng để có nguồn vốn tái đầu tư nhà ở xã hội khác là một giải pháp cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của thành phố và góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách cho các chi phí quản lý, cải tạo, bảo trì quỹ nhà ở này.

Theo thống kê, hiện quỹ nhà ở xã hội của thành phố là 9.983 căn. Trong đó, ngoài số lượng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa thì chủ yếu nhà ở xã hội được thành phố đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (với 8.693 căn chiếm 87% tổng quỹ nhà ở xã hội của thành phố).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang còn gặp khó khăn.

Hiện nay, ngoài số lượng nhà ở xã hội đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nêu trên, Đà Nẵng vẫn còn 3 dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với tổng số 1.334 căn đang xây dựng dở dang vì thiếu kinh phí (thiếu khoảng 228 tỷ đồng).

Vì vậy, thành phố cần phải tạo nguồn vốn để hoàn thành xây dựng các dự án nhà ở này nhằm đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.