Đề xuất ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 đợt 1 cho nhân viên hàng không

Đề xuất ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 cho nhóm nhân viên hàng không

Tại cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao.
Đề xuất ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 cho nhóm nhân viên hàng không ảnh 1Vắcxin COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. (Ảnh: PAP/ TTXVN)

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đạt hiệu quả, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tiêm vắcxin COVID-19 đợt 1 cho các đối tượng thuộc nhóm nhân viên hàng không.

Theo đó, việc khử trùng tàu bay trên các chuyến bay quốc tế và khu vực phục vụ chuyến bay quốc tế được quy định ở các văn bản khác nhau và chưa có sự thống nhất, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với cơ quan y tế liên quan về việc giám sát, kiểm tra và khử trùng tàu bay, nhà ga hàng hóa… tại các cảng hàng không, sân bay do kiểm định viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương (CDC) thực hiện.

Tại các cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm virus cao. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên  được tiêm vắcxin đợt 1 gồm: Nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu.

Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch và sớm vận chuyển vắcxin phòng COVID-19 về Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị giao cho các hãng hàng không Việt Nam đảm nhiệm vận chuyển chính.

[Hơn 200.000 liều vắcxin COVID-19 đầu tiên sẽ về đến Việt Nam ngày 28/2]

Được biết, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca.

Vắcxin ngừa COVID-19 có tên gọi là COVID-19 Vaccine AstraZeneca, do công ty SK Bioscience (Hàn Quốc) sản xuất. Theo quyết định nói trên, vắcxin được nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch phải đáp ứng các điều kiện đi kèm trong văn bản chấp thuận phê duyệt vắcxin ngày 1/2 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, dự kiến, ngày 28/2, lô vắcxin đầu tiên sẽ về đến Việt Nam và không lâu sau đó sẽ là khoảng 4,88 triệu liều vắcxin từ sáng kiến phân bổ vắcxin COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương có dịch diễn ra vào chiều 15/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đơn vị này đã rất chủ động và quyết liệt trong vấn đề tiếp nhận vắcxin từ chương trình COVAX và các thủ tục tiếp nhận vắcxin cơ bản đã hoàn thành.

Vào cuối tháng 2/2021, nếu chuyến bay được sắp xếp kịp thời và các thủ tục được hoàn thiện thì Việt Nam sẽ có vắcxin theo hai nguồn la từ chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu. Sau đó ba tháng, nước ta có thể có thêm hơn 5 triệu liều vắcxin.

Như vậy, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vắcxin COVID-19 tương đối tốt. Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vắcxin COVID-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng dự kiến là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25-35% số liều sẽ được cung cấp trong quý đầu tiên và 65-75% trong quý 2/2021. Vắcxin được sử dụng trong đợt này là sản phẩm của hãng AstraZeneca./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục