Dự án cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 11.000 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) dưới dạng Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Nội dung này vừa được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng thẩm định thành phố về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sở Giao thông Vận tải trình Hội đồng thẩm định thành phố thời gian thực hiện dự án từ năm 2024-2028; thời gian thu phí BOT là 23 năm 6 tháng (từ năm 2028 đến năm 2051).
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 518 tỷ đồng). Trong số đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 5.246 tỷ đồng (chiếm 49,63% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay) và vốn BOT khoảng 5.323 tỷ đồng (chiếm 50,37% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).
TP.HCM: Đưa vào khai thác cầu Vàm Sát 2 ở huyện Cần Giờ
Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, trong đó điểm đầu tại vị trí nằm trên Đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc và điểm cuối dự án kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía Nam).
Dự án sẽ xây cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp và phần đường dẫn hai đầu cầu với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp).
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 7,3km (cầu Cần Giờ dài khoảng 2.975m; phần đường dẫn dài khoảng 4.324m). Vận tốc thiết kế là 60 km/giờ.
Dự án được phân chia thành 3 dự án thành phần; trong đó, có 2 dự án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phía Nhà Bè và Cần Giờ (khoảng 2.228 tỷ đồng), sử dụng 100% nhân sách nhà nước.
Dự án thành phần 3 xây dựng cầu Cần Giờ sẽ đầu tư theo hình thức BOT, với khoảng 8.341 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 3.018 tỷ đồng (tương ứng với khoảng 36,18% tổng mức đầu tư dự án thành phần 3) và vốn nhà đầu tư khoảng 5.323 tỷ đồng (tương ứng khoảng 63,82%).
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cầu Cần Giờ là dự án quan trọng, cần thiết phải đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Cần Giờ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức đối tác công tư sẽ thu hút được nguồn vốn nhà đầu tư tham gia vào dự án khoảng 5.323 tỷ đồng là cần thiết để giảm áp lực cho nguồn vốn đầu tư công trong điều kiện hiện nay.
"Ngoài ra, việc đầu dự án theo phương thức PPP sẽ giảm đáng kể nguồn vốn ngân sách chi trả để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình trong suốt thời gian nhà đầu tư quản lý dự án (dự kiến 23 năm 6 tháng)," đại diên Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.
Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có đường bộ kết nối trực tiếp với trung tâm thành phố.
Các phương tiện giao thông từ Cần Giờ di chuyển sang Nhà Bè để đi các khu vực khác chủ yếu thông qua bến phà Bình Khánh và An Thới Đông.
Tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành (đang trong quá trình xây dựng) đi qua huyện Cần Giờ nhưng không có kết nối với hệ thống giao thông của huyện.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và đề xuất bổ sung vào quy hoạch và ưu tiên thực hiện đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự kiến xây cảng tại cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép-Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông.
Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027 và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.
Do vậy, việc sớm đầu tư và hoàn thành cầu Cần Giờ sẽ gúp hình thành tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp với khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của thành phố./.