Chiều 23/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chia sẻ thông tin về ứng phó của Việt Nam trước nguy cơ dịch đậu mùa khỉ đã và đang lan ra nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Á như Singapore và Hàn Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Nhận thức được vấn đề này cũng như việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, trong bối cảnh thế giới đang ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ diễn ra liên tiếp, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và địa phương trong nước đề nghị tăng cường giám sát phòng, chống và ngăn chặn, phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại các cửa khẩu và cơ sở y tế, nhất là những trường hợp đi về từ các quốc gia đang có dịch đậu mùa khỉ.
Đồng thời, tích cực truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này cũng như các biện pháp phòng, chống.”
[Tổ chức Y tế Thế giới ra khuyến cáo về bệnh đậu mùa khỉ]
Theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, thời gian qua, báo chí Việt Nam đã liên tục cập nhật thông tin cũng như tích cực tham gia vào công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp./.
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Nhưng ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn và nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Có khoảng 3% đến 6% ca bệnh được báo cáo đã dẫn đến tử vong ở các nước có bệnh lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác. Điều quan trọng cần chú ý là tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm động vật gặm nhấm và động vật linh trưởng. Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần). Bạn có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng hoặc vật dụng của họ. Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da. Trẻ em thường dễ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Virus cũng có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc vật lý sớm. |