Đi trên cao tốc: Sao nhãng vài giây có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc

Cao tốc có hệ số an toàn cao nhất trong các loại đường, nhưng do tốc độ cao, nên lái phải tuyệt đối tuân thủ quy định; tùy tiện, chủ quan sao nhãng chỉ một vài giây có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc.

Lật xe khách trên cao tốc La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: TTXVN phát)
Lật xe khách trên cao tốc La Sơn-Túy Loan. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong vòng chưa đầy một tháng, trên hai tuyến cao tốc mới là La Sơn-Túy Loan và Cam Lộ-La Sơn đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, vào các ngày 23/1 và 18/2, làm 6 người tử vong và nhiều người bị thương.

Rút ra bài học kinh nghiệm từ hai vụ tai nạn này, Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho rằng, cao tốc là loại hình giao thông tiên tiến, có tốc độ lưu thông cao, năng lực thông qua lớn và cũng là loại đường có hệ số an toàn cao nhất trong số các loại đường.

Thống kê cho thấy tai nạn giao thông trên cao tốc chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, rất thấp so với khoảng 35% số vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ, trong khi trên nhiều hành lang quan trọng hệ thống đường cao tốc đảm nhiệm tới 80% thậm chí 90% lưu lượng giao thông.

Tuy nhiên, do tốc độ cao nên quá trình xây dựng khai thác vận hành và lái xe trên cao tốc đều phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ. Tùy tiện, chủ quan sao nhãng chỉ một vài giây có thể dẫn tới tai nạn giao thông thảm khốc.

- Hai vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn và La Sơn-Túy Loan vừa qua đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có rất nhiều ý kiến trên báo chí và mạng xã hội phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn, trong đó có vấn đề về hạ tầng giao thông. Theo ông, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn này là gì?

Tiến sỹ Trần Hữu Minh: Khi tai nạn giao thông xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ xem xét các nguyên nhân trực tiếp và xử lý trách nhiệm các cá nhân tổ chức có liên quan. Các nguyên nhân chính thức cuối cùng sẽ do cơ quan chức năng công bố.

Trong vụ tai nạn giao thông vừa rồi, có thể thấy nguyên nhân đầu tiên, trực tiếp và lớn nhất là hành vi của người điều khiển phương tiện. Cơ quan chức năng đang tiếp tục phân tích các yếu tố khác có liên quan.

Tôi cũng muốn nói rằng, quá trình điều tra nguyên nhân các vụ tai nạn không thể nhanh được, do các công việc đều phải thực hiện theo những quy định chặt chẽ, công phu, tỉ mỷ, khách quan, có bằng chứng.

Ngay cả tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng có thể lên tới vài tháng trời. Mặc dù với những vụ tai nạn giao thông có sự hỗ trợ của camera hành trình, thời gian xử lý có thể nhanh hơn. Cái này dư luận cũng cần thông cảm cho các cơ quan chức năng vì kết luận về nguyên nhân sẽ khó có ngay sau vụ va chạm.

Trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất rõ, bên cạnh làm rõ các nguyên nhân trực tiếp, cần làm rõ các nguyên nhân khác có liên quan để phục vụ công tác phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông tương tự trong thời gian tới.

Quá trình này đòi hỏi cơ quan điều tra và các chuyên gia được trưng dụng (nếu có) phải rà soát lại toàn bộ các yếu tố trong hệ thống giao thông từ quy định, quy tắc, quy chuẩn, phương tiện, người lái, kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, giáo dục, tuyên truyền, xử phạt...

Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trì cuộc họp với các cơ quan có liên quan, rút kinh nghiệm và xem xét trách nhiệm các cơ quan, tổ chức gián tiếp có liên quan (nếu có). Đây là những điểm rất mới nếu làm tốt sẽ đóng góp rất lớn trong việc chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 21/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức họp đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh đã đề nghị các cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn phối hợp kiểm tra, thẩm định lại hệ thống an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đoạn tuyến xảy ra tai nạn; có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm ra vào tuyến cao tốc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông như chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt xe không đúng quy định.

- Đối với Việt Nam, đường cao tốc vẫn là loại hình giao thông khá mới, nhiều người chưa nắm chắc quy định và nguyên tắc khi tham gia giao thông trên cao tốc. Từ góc độ là đơn vị tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triển khai các giải pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ông có khuyến cáo gì đến người điều khiển phương tiện ?

Tiến sỹ Trần Hữu Minh: Trong lúc chờ cơ quan chức năng phân tích, công bố các nguyên nhân kèm theo bằng chứng, có rất nhiều điều người tham gia giao thông có thể tự làm ngay để nâng cao an toàn giao thông cho chính mình và cho cộng đồng. Mặc dù giao thông trên cao tốc có hệ số an toàn cao nhất trong các loại đường, nhưng do tốc độ cao, nên người tham gia giao thông phải chú ý tuyệt đối tuân thủ các quy định. Tùy tiện, chủ quan sao nhãng chỉ một vài giây có thể dẫn tới tai nạn giao thông thảm khốc, trong khi đây là một loại hình giao thông mới tại Việt Nam.

Bởi vậy, người tham gia giao thông cần nhận thức về việc tham gia giao thông trên cao tốc là một hoạt động phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, như bảo đảm kiến thức và kỹ năng lái xe, sức khỏe và sự tỉnh táo tập trung của người lái, tình trạng phương tiện tốt, thu thập thông tin và có kế hoạch cho chuyến đi chỗ nào dừng, chỗ nào ra khỏi cao tốc đều phải biết... Những người lái mới, xe mới, tuyến đường mới càng phải hết sức thận trọng.

Người tham gia giao thông phải luôn chủ động trau rèn và thực hành đúng các quy tắc giao thông, vì tất cả các quy tắc giao thông đặt ra đều có lý do và nhằm mục đích bảo đảm an toàn của người lái và xã hội. Vi phạm quy tắc giao thông đều làm gia tăng rủi ro dẫn tới tai nạn.

Đặc biệt đó là quy tắc giữ khoảng cách, tuân thủ tốc độ, các quy tắc khi vượt xe, chuyển làn, chuyển hướng, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em...

Tôi cho rằng, với những người mới lái xe hoặc chưa từng lái trên cao tốc, nên có người lái xe kinh nghiệm bổ túc tay lái trên cao tốc trước khi tự lái trên cao tốc. Đây cũng là khuyến cáo tại rất nhiều nước phát triển.

Nhiều quốc gia thậm chí có chính sách giảm bảo hiểm cho những người lái học khóa lái xe nâng cao với thầy có kinh nghiệm trên cao tốc, ban đêm, trời mưa, đường đèo dốc...

Tốc độ cao là nhân tố có thể hủy diệt mọi thứ, dù đó là những phương tiện hiện đại và an toàn nhất, bởi vậy, người lái cần chủ động giảm tốc và duy trì ở mức hợp lý kể cả khi có thể đi nhanh hơn.

Tốc độ giới hạn không có nghĩa là khuyến khích người điều khiển xe hướng tới mức tối đa. Chẳng hạn tốc độ giới hạn là 100 km/h không có nghĩa là người lái phải cố gắng đạt tới 100 km/h, thay vào đó nên đi ở tốc độ thấp hơn.

Thực tế, các chuyên gia an toàn giao thông thường khuyến cáo đi thấp hơn tốc độ giới hạn (tùy theo điều kiện cụ thể), tất nhiên là không thấp hơn tốc độ tối thiểu trên cao tốc. Đây là một kinh nghiệm tốt cho người lái xe tại Việt Nam.Cuối cùng là luôn luôn thực hành thắt dây an toàn bất cứ khi nào lên xe và tạo thói quen đó cho tất cả mọi người xung quanh...

Những thói quen xấu tưởng chừng như vô hại như không thắt dây an toàn trong điều kiện giao thông đô thị ùn tắc, hoặc trong đường làng, có thể theo bạn lên cao tốc và lúc đó thói quen đó có thể trở thành một trong những nhân tố gây hậu quả thiệt hại lớn về người khi có va chạm.

Dây an toàn có thể giảm tới 45% chấn thương nghiêm trọng và giảm tới 75% rủi ro tử vong.

Trong khi đó, tỷ lệ thắt dây an toàn tại Việt Nam hiện còn khá thấp (dưới 20%), đặc biệt, người ngồi hàng ghế sau tỷ lệ không thắt rất cao, bởi vậy khuyến cáo cho tất cả người tham gia giao thông dù ngồi ở bất kỳ hàng ghế nào cần thắt dây an toàn mỗi khi lên ôtô, người cầm lái cần bảo đảm tất cả thành viên trên xe thắt dây an toàn phù hợp trước khi khởi hành.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục