Theo trang thống kê toàn cầu worldmeters.info, tính đến 7h30 sáng 11/5, tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 4.178.158 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 283.734 ca tử vong. Số ca phục hồi đang là 1.490.456 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch với tổng cộng 1.367.638 ca nhiễm và 80.787 ca tử vong. Trong khi đó, dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch tại Mexico và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, ngày 10/5, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận 1.562 ca nhiễm mới và 112 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 35.022 ca, trong đó có 3.465 ca tử vong.
Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và ca tử vong sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Trong khi đó, Ecuador đã ghi nhận 2.127 ca tử vong mới, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Số ca nhiễm đã lên tới gần 30.000 ca.
[Dịch COVID-19: Anh kéo dài lệnh phong tỏa ít nhất đến ngày 1/6]
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục giảm bớt khi Pháp và Tây Ban Nha dự kiến sẽ nới lỏng hạn chế từ ngày 11/5, dù Vương quốc Anh vẫn phải gia hạn lệnh phong tỏa.
Nỗi lo ngại về một "làn sóng thứ hai" của dịch COVID-19 vẫn đang rõ rệt tại châu Âu và trên thế giới.
Khi hàng triệu người bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp và các nền kinh tế thì trì trệ - kể cả nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, nơi 20 triệu người đã mất việc làm trong tháng 4 - các chính phủ đang phải mở cửa trở lại, song hầu hết chọn cách nới lỏng từng bước một.
Tại Pháp, từ ngày 11/5, mọi người sẽ được ra đường lần đầu tiên trong gần 8 tuần, giáo viên sẽ bắt đầu trở lại trường và một số cửa hiệu - trong đó có tiệm cắt tóc - sẽ được mở lại.
Tuy nhiên, các quán bar, nhà hàng, rạp hát và rạp chiếu phim sẽ vẫn phải đóng cửa. Trong khi đó, người Tây Ban Nha sống bên ngoài các trung tâm đô thị như thủ đô Madrid và thành phố Barcelona - nơi vẫn phải phong tỏa - đã lên kế hoạch để gặp gỡ bạn bè và gia đình tại các quán bar và nhà hàng ở ngoài trời.
Italy ghi nhận 165 ca tử vong mới trong ngày 10/5, mức thấp nhất trong một ngày kể từ hôm 9/3. Ngày 10/5 cũng là ngày đầu tiên kể từ đầu tháng 3, số ca nhiễm mới ở mức dưới 1.000 ca.
Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 30.560 ca. Ngày 11/5, Italy cũng bắt đầu dỡ bỏ từng phần các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã áp dụng từ đầu tháng 3 nhằm kiềm chế dịch lây lan.
Trong khi đó, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết còn quá sớm để đưa ra động thái tương tự.
Với hơn 31.850 ca tử vong, Anh là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu, và cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ./.