Dịch COVID-19: Thần tốc hoàn thành bệnh viện dã chiến ở Điện Biên

Sau khi quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) trong ngày 6/2, các thiết bị y tế hiện đại từ Bệnh viện Bạch Mai đã được đưa lên Điện Biên.
Dịch COVID-19: Thần tốc hoàn thành bệnh viện dã chiến ở Điện Biên ảnh 1Giường bệnh tại khoa hồi sức trong Bệnh viện dã chiến. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Với nỗ lực, quyết tâm cao nhất của đội ngũ bác sỹ, chuyên gia, kỹ sư đầu ngành được chi viện từ Bệnh viện Bạch Mai cùng với đội ngũ y tế của Điện Biên, Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) với những trang thiết bị hiện đại đã hoàn thành vào sáng ngày 7/2.

Sau khi quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) trong ngày 6/2, các thiết bị y tế hiện đại từ Bệnh viện Bạch Mai đã được đưa lên Điện Biên để hỗ trợ cho địa phương chống dịch.

Để điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân chuyển biến nặng, nguy kịch, Bệnh viện Bạch Mai vận chuyển lên Bệnh viện dã chiến những trang thiết bị hiện đại bậc nhất ở bệnh viện tuyến trung ương hiện nay như hệ thống oxy, khí nén, máy thở chức năng cao, máy tim phổi nhân tạo tại các giường hồi sức cấp cứu.

[Hỗ trợ tỉnh Điện Biên khẩn trương thành lập bệnh viện dã chiến]

Các kỹ sư, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai và cán bộ, nhân viên y tế của Điện Biên đã làm việc xuyên đêm, chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành phòng hồi sức cấp cứu, được xem là quan trọng nhất trong bệnh viện dã chiến; lắp ghép các máy móc, trang thiết bị y tế, giường bệnh chuyển lên từ Hà Nội lên; lau chùi, dọn dẹp khu vực hồi sức cấp cứu để đưa vào sử dụng điều trị cho các bệnh nhân.

Đến sáng 7/2, cơ bản phòng hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng ngay với hơn 16 giường hồi sức cùng trang thiết bị y tế hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong các thiết bị có hệ thống máy tim phổi nhân tạo tại giường được xem là thiết bị hiện đại nhất và quan trọng nhất. Bởi trong trường hợp tim phổi của bệnh nhân bị tổn thương nặng, máy thở khác không đáp ứng được thì thiết bị này sẽ làm việc thay thế cho tim, phổi của bệnh nhân, giúp tim, phổi bệnh nhân có thời gian nghỉ hồi phục.

Ngoài ra, các hệ thống oxy, khí nén, hệ thống oxy bồn khí nén vừa được chuyển đến thành phố Điện Biên Phủ lúc 5 giờ sáng 7/2 cũng đã được gấp rút hoàn thiện ngay lập tức.

Dịch COVID-19: Thần tốc hoàn thành bệnh viện dã chiến ở Điện Biên ảnh 2Với những trang thiết bị máy móc hiện đại, Bệnh viện dã chiến có thể triển khai các kỹ thuật cao về hồi sức tương đương với bệnh viện tuyến Trung ương.(Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Trước mắt, các bác sỹ sẽ tập trung khử khuẩn toàn bộ khu vực hồi sức cấp cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đưa vào chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.

Đồng thời các bác sỹ, tiến sỹ đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai đang đào tạo cấp tốc kiến thức cho cán bộ y tế của Điện Biên để sử dụng các thiết bị mới trong các tình huống khẩn cấp.

Ngay sáng nay, hơn 100 cán bộ thuộc các chuyên khoa khác nhau đã thực hiện xong công tác tập huấn nhanh để có thể đáp ứng được việc sử dụng thiết bị và ngay sau đó đã phân nhóm để bắt tay ngay vào thực hiện các phần việc được giao.

Để việc đào tạo, tập huấn có hiệu quả cao, các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn đào tạo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng cách ly; các chuyên gia về bệnh nhiệt đới đào tạo về lĩnh vực điều trị, cập nhật điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tính đến ngày 7/2, toàn tỉnh Điện Biên có 3 trường hợp mắc COVID-19 cư trú tại bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) và bản Nà Nhạn 2, xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ).

Tỉnh Điện Biên vẫn đang tích cực triển khai công tác truy vết các đối tượng F1, F2, F3 liên quan đến các bệnh nhân để tiến hành cách ly, tránh dịch lây lan trong cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục