Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 'mục tiêu kép cộng một'

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19 với nguyên tắc "an toàn là trên hết," đảm bảo "mục tiêu kép cộng một."
Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 'mục tiêu kép cộng một' ảnh 1Một khu vực cách ly cho người nhiễm dịch COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện tốt "mục tiêu kép cộng một," vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển sản xuất, triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo cho người dân vui xuân đón Tết.

Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 2/2.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 2/2, trên địa bàn Thành phố có 168 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 33 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến 10 giờ ngày 2/2, Thành phố đã tiếp nhận khai báo y tế và xét nghiệm 714 trường hợp từ các địa phương có dịch và đã có nhiều mẫu xét nghiệm âm tính.

Liên quan đến các trường hợp có tiếp xúc với các ca bệnh số 1660, 1801,1843, đa số những trường hợp tiếp xúc gần với 3 bệnh nhân này đều đã có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Nhằm tăng cường tầm soát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, ngành y tế Thành phố đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho 2.871 trường hợp tại các doanh nghiệp như Công ty Pouyen, Nidec Tosok, Công ty May mặc Quảng Việt, Grab, Hệ thống Co.op, Khu chế xuất Linh Trung, Ngân hàng ACB; xét nghiệm tầm soát cho 141 nhân viên phục vụ tại Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây.

Ngành cũng xét nghiệm cho 8.237 nhân viên y tế, người phục vụ, bệnh nhân mạn tính điều trị nội trú tại các bệnh viện. Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính.

Liên quan đến vấn đề giám sát người trở về từ vùng dịch, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố, đến nay các doanh nghiệp lữ hành đã xác định được 193 khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi đến các vùng có dịch và đã trở về, 16 khách du lịch từ các vùng có dịch đến Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện danh sách này đã được chuyển cho ngành y tế và các địa phương để giám sát phòng dịch.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đã phối hợp với Sở Y tế thẩm định và đưa thêm 3 khách sạn trở thành điểm cách ly có thu phí, nâng tổng số cơ sở cách ly có thu phí trên địa bàn lên 32 khách sạn với công suất 2.500 phòng.

Trước nhu cầu ngày càng tăng, hiện Sở Du lịch đang chuẩn bị 29 khách sạn dự phòng, bổ sung các điều kiện để sẵn sàng trở thành nơi cách ly có thu phí, phục vụ nhu cầu của người dân.

Liên quan đến xe khách, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng không nên tạm dừng các chuyến xe vận tải hành khách tuyến Gia Lai-Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm của Thành phố Hồ Chí Minh là không "ngăn sông cấm chợ" bởi trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Nếu cấm tuyến xe khách này thì người dân sẽ đi vòng qua các địa phương lân cận, gây nguy cơ lây lan dịch cao hơn, phạm vi rộng hơn.

Bởi vậy, các lực lượng chức năng cần giám sát chặt để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Thành phố.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu rõ mặc dù dịch COVID-19 chưa lây lan trên địa bàn nhưng chắc chắn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Do đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19 với nguyên tắc "an toàn là trên hết", đảm bảo "mục tiêu kép cộng một," vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo cho người dân vui xuân đón Tết. Ngành y tế đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cơ sở y tế, bởi đây là những điểm xung yếu, quan trọng.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp chính quyền tăng cường hoạt động tuyên truyền theo hướng mạnh hơn, sâu rộng hơn, kịp thời, cụ thể và rõ ràng hơn để người dân ý thức, hiểu rõ về dịch COVID-19.

Từ đó, người dân nâng cao cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng và cùng chung tay với chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Các sở, ngành, địa phương cần điều chỉnh các hoạt động lễ hội hợp lý, an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục