Dịch COVID-19: TP.HCM tạm ngưng nhiều tuyến xe buýt và giảm xe khách

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tạm ngưng 54 tuyến xe buýt và giảm 60% số chuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, kể từ ngày 28/3 đến ngày 5/4 tới.
Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngưng 54 tuyến xe buýt để phòng chống dịch. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh tạm ngưng 54 tuyến xe buýt để phòng chống dịch. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngày 27/3, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phương án tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn trước các diễn biến phức tạp mới của dịch COVID-19.

Sở đề xuất tạm ngưng 54 tuyến xe buýt và giảm 60% số chuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, kể từ ngày 28/3 đến ngày 5/4 tới.

Về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong 54 tuyến tạm ngưng hoạt động, có 27 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu; 9 tuyến xe buýt không trợ giá nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt có trợ giá nhưng có nhu cầu khách đi lại thấp với bình quân dưới 1.200 hành khách/ngày, có lộ trình kết nối đến các trường học, khu vui chơi giải trí.

Thành phố chỉ xem xét duy trì hoạt động một số tuyến có trợ giá có nhu cầu khách đi lại cao, có lộ trình hoạt động trên các tuyến đường trục và không có phương tiện giao thông khác thay thế.

Như vậy, hệ thống xe buýt thành phố dự kiến từ ngày 28/3 sẽ có 78 tuyến hoạt động có trợ giá, với số chuyến giảm 50% so với kế hoạch.

Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với 132 tuyến xe buýt (96 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá) đang hoạt động, phục vụ hơn 250.000 hành khách/ngày, với khoảng 14.000 chuyến xe hoạt động/ngày.

[Ủy ban Nhân dân TP.HCM bác tin đồn phong tỏa toàn bộ Thành phố]

Theo ghi nhận sáng 27/3, nhiều xe buýt đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có lượng hành khách rất ít, do nhu cầu đi lại không cao khi học sinh, sinh viên nghỉ học. Đặc biệt, các tuyến kết nối các khu du lịch, khu trường đại học… xe xuất bến chỉ có khoảng vài hành khách. Các điểm chờ, nhà chờ xe buýt cũng rất ít khách đứng chờ xe.

Để hỗ trợ khó khăn cho các đơn vị vận tải trong thời gian dịch bệnh diễn ra khi phải tạm ngưng hoạt động tuyến, giảm số chuyến xe hoạt động và giảm số lượng khách vận chuyển, Sở Giao thông Vận tải sẽ làm việc cụ thể với đơn vị vận tải.

Từ đó, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, hỗ trợ một phần chi phí cho hơn 5.000 lao động phải tạm ngưng phục vụ, thất nghiệp; xem xét hỗ trợ lãi vay đối với các phương tiện đầu tư thay thế xe mới đang trong thời gian trả lãi vay ngân hàng.

Đối với hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định, Sở Giao thông Vận tải đề xuất giảm 60% số chuyến so với hoạch trên tất cả các tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương. Tuyến xe khách theo tuyến cố định tại thành phố hiện đang hoạt động 1.752 chuyến/ngày, tương ứng khoảng 40% số chuyến hoạt động so với kế hoạch.

Từ ngày 25/3 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải cả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận chuyển mỗi chuyến tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 khách.

Hành khách trên xe được nhân viên phục vụ bố trí ngồi xen kẽ, mỗi hàng ghế chỉ bố trí một người, không bố trí ngồi gần nhau với khoảng cách an toàn nhất; bố trí nước rửa tay, sát khuẩn trên xe tại cửa lên xuống để hành khách rửa tay trước khi lên xe và vào chỗ ngồi.

Dịch COVID-19: TP.HCM tạm ngưng nhiều tuyến xe buýt và giảm xe khách ảnh 1Nhà chờ xe buýt trên trục đường chính Trường Chinh khá vắng khách. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngoài ra, tất cả các chuyến xe hoạt động theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyến đều phải đảm việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 khách/chuyến. Hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và bắt buộc khai báo y tế theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải cũng cho tạm dừng các tuyến buýt sông số 1, tuyến Bạch Đằng-Cần Giờ-Vũng Tàu; trong khi tàu du lịch phải đảm bảo vận chuyến hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến. Hoạt động vận tải hành khách bằng taxi và ôtô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ vẫn được duy trì. Các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (chỉ xem xét bố trí một số chuyến bay đến và đi thật sự cần thiết); Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hành khách đến và đi tại ga Sài Gòn.

Trong ngày 26/3, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ 12.671 hành khách đi và đến tại ga Quốc nội với 115 chuyến; 1.306 hành khách đến và đi tại ga Quốc tế với 47 chuyến.

Lượng hành khách đạt khoảng 20% so với ngày thường; ga Sài Gòn phục vụ 869 hành khách với 10 chuyến tàu (giảm 8 chuyến so với ngày thường). Theo kế hoạch, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ giảm số lượt tàu đến và đi tại ga Sài Gòn xuống còn 6 chuyến/ngày.

Trước đó, tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố trước các diễn biến phức tạp mới của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục