Dịch phức tạp, học sinh lớp 1-6 các huyện Hà Nội có thể học online

Lãnh đạo Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 sang hình thức học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.
Dịch phức tạp, học sinh lớp 1-6 các huyện Hà Nội có thể học online ảnh 1Cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do thành phố Hà Nội tổ chức sáng 27/2, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung các giải pháp giảm tải, quản lý người nhiễm qua phần mềm, số ca nhiễm, tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt với địa bàn có mật độ dân cư cao, nhất là các trường học…

Xác nhận F0 có thể làm online dưới sự giám sát của nhân viên y tế

Theo lãnh đạo thành phố, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và Hà Nội đã có ngày trên 10.000 ca mắc COVID-19; 74 xã phường (12/8%) đã chuyển sang cấp độ 3.

Tuy nhiên, số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà). Với thực tế này, thành phố luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.

“Diễn biến này mang đến áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, trong đó gánh nặng đang là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh trong khi chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi," Chủ tịch thành phố Hà Nội đánh giá.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin đã tổng hợp đề xuất của 15/18 huyện, thị xã về việc đề nghị chuyển hình thức đi học trực tiếp sang học trực tuyến với khối học sinh lớp 1 đến lớp 6 để đảm bảo an toàn cho các cháu (khi chưa được tiêm chủng).

Ngoài ra, tại cuộc họp, nhiều đơn vị đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã, phường hiện nay.

Đại diện quận Hà Đông cho biết số ca F0 đang gia tăng nhưng trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1. Quận Hà Đông cũng đã chủ động liên hệ các bệnh viện, trường y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ nhân dân.

Trong khi đó, đại diện quận Nam Từ Liêm đề xuất thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân phải tiếp tục tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương; Bảo hiểm xã hội linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm cho các F0 khỏi bệnh nhanh nhất, vẫn đảm bảo chủ động lực lượng tại cơ sở…

Để giải bài toán quá tải này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung thành phố đã làm việc: Điều trị bệnh nhân tầng 2,3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, Sở Y tế sẽ điều tiết lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.

Trước phản ánh ở một số địa bàn, người dân khó khăn trong việc xác nhận F0, khỏi bệnh, xác nhận để thanh toán bảo hiểm y tế, bà Hà cho biết trong tuần qua, một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn… Có nơi có tình trạng người dân phải xếp hàng, gây bức xúc nhưng cũng có nơi chưa xảy ra hiện tượng quá tải nhờ sự vào cuộc quyết liệt, huy động được mọi lực lượng, bố trí khoa học…

“Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online cũng được,” bà Hà nói.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng Bảo hiểm xã hội) và huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời cũng như phải ứng dụng công nghệ tối đa.

Lập tổ công tác nắm rõ khó khăn từng xã, phường

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các quận huyện, xã phường và yêu cầu phải vào cuộc sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt.

“Các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng,” ông Dũng nói đồng thời nhấn mạnh thêm về vai trò quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”, chủ động điều tiết từ phường này sang phường khác, xã này sang xã khác…

Đồng tình với ý kiến của Sở Y tế, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các quận, huyện làm việc ngay với các bệnh viện của bộ, ngành, trung ương trên địa bàn để chuẩn bị công tác điều trị COVID-19, trong khi phía Sở Y tế rà soát nội dung này để báo cáo ngay lãnh đạo thành phố.

Dịch phức tạp, học sinh lớp 1-6 các huyện Hà Nội có thể học online ảnh 2Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội điều hành cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron (chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ).

Dẫn ý kiến các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh thành phố đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ cùng với ý thức người dân.

Từ thực tế này, ông Chu Ngọc Anh lưu ý lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân.

“Mọi người dân dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà; cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí; không gây hoang mang, lo lắng; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, đảm bảo quy trình…,” ông Chu Ngọc Anh nêu rõ.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải có hướng dẫn, thích ứng cụ thể với tình hình, sát sao, thường xuyên theo dõi, nắm rõ con số bao nhiêu trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng đồng thời giao Chủ tịch các quận, huyện xã phường phải “đốc” đến tận nhà, nắm rõ và cập nhật liên tục các con số trên.

Đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ đến trường

Người đứng đầu Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chủ trì lập ngay Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Thành phố với đầu mối rõ, gọn nhẹ nhất để kiểm tra, báo cáo hàng ngày các phần việc cụ thể mọi mặt công tác “nóng”.

Cụ thể, ngành y tế cần có hướng dẫn thích ứng, kiểm soát nhóm nguy cơ cao, số liệu chuyển tầng, điều trị tại cơ sở y tế hàng ngày; thích ứng với các hoạt động đi học trực tiếp, các cơ quan hành chính để vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, đảm bảo việc học tập của học sinh…

Nhấn mạnh việc giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở, khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm… Chủ tịch thành phố nêu rõ giải pháp sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất.

Ông đề nghị liên ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu (quan tâm đặc biệt đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em) thường xuyên đánh giá, điều chỉnh các hoạt động; có thể điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 tại các huyện sang hình thức học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho các cháu theo đề xuất của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Đặc biệt, ông yêu cầu chủ tịch các quận, thị xã, rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục