Diễn tập thực hành ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai và diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.”
Diễn tập thực hành ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngày 5/12, tại thành phố Lào Cai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai và diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi”.

Tham dự hội nghị có các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, đại diện ngành nông nghiệp 26 tỉnh thành phố có quy mô chăn nuôi lớn Việt Nam, đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam và các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở chăn nuôi lợn đã tham gia diễn tập.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn. Lợn bị bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100%.

Hiện nay, chưa có vắcxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, nếu xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi lợn, đe dọa an ninh lương thực của quốc gia, việc kiểm soát và loại trừ bệnh sẽ cần huy động nguồn lực rất lớn. Nguy hiểm nhất đối với bệnh dịch này là hiện chưa có vắcxin phòng và thuốc diều trị bệnh này.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao vì 3 lý do chính.

Một là, nguy cơ vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, các sản phẩm lợn trái phép từ nước, vùng đang có dịch bệnh vào Việt Nam.

Hai là, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc và sân bay Nhật Bản) cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.


[Hà Nội thông tin về giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ xa]

Ba là, các tháng cuối năm thời tiết thay đổi bất lợi, tổng đàn chăn nuôi lợn tăng cao, việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn tăng cao do nhu cầu tiêu dùng các dịp lễ, Tết cũng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tăng rất cao.

Do đó, việc tổ chức hội nghị và diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi” sẽ giúp các địa phương trong cả nước chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh cùng như các thông tin kỹ thuật nhận biết về bệnh và thống nhất triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng bệnh là chính, quyết tâm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Buổi diễn tập tình huống giả định phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thôn Bản Qua, xã Bản Qua, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai diễn ra từ sáng 5/12 thực hiện tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, thành phố Lào Cai và thôn Bản Qua, xã Bản Qua, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, sau khi nghe Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông ngiệp huyện Bát Xát báo tin xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn thôn Bản Qua, xã Bản Qua, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai đã cử đội phản ứng nhanh của Chi cục trực tiếp đến địa bàn thôn xảy ra dịch bệnh.

Với tình huống giả định là dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo đội ứng phó phối hợp với huyện Bát Xát để xử lý ổ dịch.

Đồng thời, dự thảo công điện khẩn, quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, quyết định thành lập chốt kiểm dịch liên ngành để trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai.

Diễn tập thực hành ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đạo tăng cường các lực lượng của ngành phối hợp với huyện Bát Xát thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, tham mưu dự thảo công điện khẩn quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, quyết định thành lập chốt kiểm dịch liên ngành. Từ đó, mời Ban chỉ đạo đến phòng họp trực tuyến của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai họp Ban chỉ đạo đồng thời phối hợp với Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức họp trực tuyến đến các huyện, thành phố và các xã khu vực biên giới.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh báo cáo nhanh tình hình bệnh dịch, thông báo công điện của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Các thành viên tham gia ngắn gọn các giải pháp thực hiện. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết luận và giao nhiệm vụ. Sau đó, đại biểu di chuyển ra xe đi đến ổ dịch.

Tại ổ dịch ở thôn Bản Qua, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, đội phản ứng nhanh của tỉnh Lào Cai được chia làm 2 nhóm tổ chức phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi, lấy mẫu máu xét nghiệm, vận chuyển lợn bệnh đến nơi xử lý, mổ khảm và lấy mẫu bệnh phẩm. Trung tâm chẩn đoán xét nghiệm nhanh bằng kỹ thuật Pen-site PCR, Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm bằng KIT xét nghiệm nhanh. Sau đó chôn lợn bệnh, tổng vệ sinh tiêu độc và phun thuốc sát trùng.

Kết thúc buổi diễn tập, ông Phùng Đức Tiến đánh giá cao thành công của buổi diễn tập tại Lào Cai và đề nghị tất cả các địa phương trên cả nước sau khi rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong đợt diễn tập tại tỉnh Lào Cai. Từ đó, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện diễn tập để sẵn sàng ứng phó với các tình huống kể cả khi không xuất hiện và khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình.

Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 20/11/2018, đã có 19 quốc gia trên thế giới xuất hiện bệnh này gây hại. Tổng số lợn bệnh là trên 373 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 857 nghìn con.

Tại Trung Quốc, từ ngày 03/8/2018 đến ngày 23/11/2018, có trên 80 ổ dịch xuất hiện tại 20 tỉnh. Tại thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km, Trung Quốc đã buộc phải tiêu hủy hơn 570 nghìn con lợn các loại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục