Điều chỉnh đất nông nghiệp: Cần công khai quy hoạch, không làm khó dân

Theo các đại biểu, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phải được công khai minh bạch thông tin, tuyệt đối không làm khó dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhấn mạnh đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp, vì thế việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu hộ nông dân - nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung điều khoản khẳng định: "Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp phải được công khai minh bạch thông tin; tránh quy hoạch làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân."

Minh bạch thông tin quy hoạch

Đại diện cho nông dân Thủ đô nêu ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, diễn ra chiều 7/3, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh đối với người nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế.

Thế nhưng, ở một số địa phương hiện nay vẫn còn những diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do không sản xuất được. Thậm chí, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển thực hiện đến hơn chục năm. Thực tế này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất như: không cho phép xây dựng, sửa chữa; lãng phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo bà Hoa, hiện nay có tình trạng quy hoạch tầm nhìn đến 30-50 năm, thế nhưng quy hoạch tầm nhìn không được cập nhật ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế này dẫn đến tranh chấp trong các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Vì vậy, trong lần sửa đổi lần này, bà Hoa kiến nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; cũng như quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

[Phát huy trí tuệ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Luật Đất đai]

Dự thảo luật cũng cần bổ sung điều khoản khẳng định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai; quy định chi tiết tránh tình trạng quy hoạch làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân bất hợp lý.

Đặc biệt, trong dự án Luật cần ghi rõ nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Về vấn đề thu hồi đất, đại diện Hội Nông dân Hà Nội cho rằng hiện nay đang xảy ra tình trạng nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để các nhà đầu tư doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp, nhưng khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại thì giá rất cao, gấp từ 5-7 lần với giá thu hồi. Thực tế này, theo bà Hoa là đã làm lợi rất lớn cho các nhà đầu tư, gây bức súc trong nhân dân và xã hội.

Vì thế, ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi điều 203 của Luật Đất đai sao cho rõ ràng, chi tiết tránh sự đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Đảm bảo quyền lợi cho nông dân

Đại diện cho hơn 9,1 triệu hộ nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng nêu lên thực tế trong những năm qua, một bộ phận nông dân còn bị tác động, ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng, từ đó làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Điều chỉnh đất nông nghiệp: Cần công khai quy hoạch, không làm khó dân ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/VIetnam+)

Đáng chú ý, một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất không còn sinh kế. Trong khi, các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế này đã dẫn đến những hệ lụy cho xã hội như: thiếu việc làm, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...

Vì thế, ông Đoàn nhấn mạnh hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân các cấp, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

“Đây cũng là dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống các cấp hội, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai,” ông Đoàn nêu quan điểm.

Tại hội nghị, đại diện hội nông dân một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận vào 4 nội dung trọng tâm, đó là vai trò, trách nhiệm của hội nông dân các cấp trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường...

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Chính vì vây, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.

Ông Hà khẳng định dự thảo luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy nguồn lực này để phát triển kinh tế nhằm thực hiện hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông dân như: Quy định việc mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quy định tích tụ, tập trung đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…

“Vì vậy, dự thảo Luật sau khi ban hành sẽ tạo ra bước tiến mới, đảm bảo quyền lợi của nông dân; cũng như giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới,” ồng Hà nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.