Đỉnh điểm dịch cúm: ''Lùng sục mua Tamiflu là không cần thiết''

Trong vòng hơn một tháng qua, các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám 3.066 lượt người bệnh có triệu chứng cúm tới khám và điều trị.
Đỉnh điểm dịch cúm: ''Lùng sục mua Tamiflu là không cần thiết'' ảnh 1Thuốc Tamiflu giúp hỗ trợ trong điều trị bệnh cúm. (Nguồn: Yonhap/EPA)

Thời gian gần đây, tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phân tích, “cơn sốt” lùng mua Tamiflu như hiện nay là không cần thiết. Bởi Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 cho các bệnh cúm, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ.

Vì vậy, người dân không nên đổ xô đi mua thuốc Tamiflu, bởi có nhiều cách phòng và điều trị cúm hiệu quả.

[Bộ Y tế: Dự báo số người mắc bệnh cúm gia tăng trên toàn quốc]

Ông Khuê nhấn mạnh như vậy tại hội nghị truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội.

Theo phó giáo sư Khuê, số liệu từ hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam thì hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa.

Trong vòng hơn một tháng qua, các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám 3.066 lượt người bệnh có triệu chứng cúm tới khám và điều trị.

Trước tình hình trên, để bảo đảm công tác phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời theo đúng hướng dẫn, giảm thiểu tử vong và phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có văn bản đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trực tiếp triển khai và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh cúm ở người.

Cúm là bệnh gặp phổ biến, đây là bệnh lành tính nhưng ở những người đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có sẵn các bệnh mãn tính... nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục