Ngày 12/7, tại Bình Dương, Đoàn công tác số 3 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã báo cáo về tình hình quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, Bình Dương có 28 dự án phát triển nhà ở gặp khó khăn trong triển khai, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản gặp khó khăn, thay đổi chính sách pháp luật, yếu kém về tài chính và kinh nghiệm của chủ đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức 15 cuộc họp để giải quyết vướng mắc cho 28 dự án này. Trong số đó, 17 dự án đã triển khai một phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật, còn 12 dự án chưa triển khai.
Các giải pháp đề xuất bao gồm thanh tra toàn diện các dự án khiếu nại, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để tiếp tục triển khai dự án.
Đối với các dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét thu hồi chủ trương đầu tư và tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có 28 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỉnh đã trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ ba cả nước.
Tốc độ phát triển công nghiệp đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhà ở. Đến nay, tỉnh có 359 dự án nhà ở thương mại và 41 dự án nhà ở xã hội đang triển khai.
Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 của tỉnh đã đề ra mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người và tổng diện tích sàn nhà ở mới, đáp ứng nhu cầu dân số và phát triển kinh tế-xã hội.
Việc phát triển nhà ở cho công nhân tại Bình Dương là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Việc cải thiện các quy định pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường quỹ đất và nguồn vốn, nâng cao chất lượng nhà ở và phát triển các gói vay ưu đãi sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định xã hội.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thẩm định và giải quyết cho 559 trường hợp được vay vốn mua nhà ở xã hội tại 8 dự án, với tổng số tiền 455 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quỹ tiền hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội tại ngân hàng đã cạn. Trong khi đó, năm 2024 chưa có vốn mới từ Trung ương hay tỉnh được cấp để cho người dân tiếp cận vay mua nhà ở xã hội.
Trước khó khăn này, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ quyết định ký việc ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với cán bộ, công chức, viên chức mua nhà ở xã hội theo cơ chế của địa phương.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết do số lượng dân nhập cư lớn nên tỉnh rất quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội.
Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tháo gỡ được một số vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận, đầu tư nhà ở xã hội của cả người dân và doanh nghiệp.
Hiện, người lao động có mức thu nhập không cao nên họ cần được tiếp cận những gói ưu đãi qua Ngân hàng Thương mại có tài trợ Nhà nước hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội. Do đó, mức vay này nên thấp hơn mức vay trên thị trường để người lao động được tiếp cận mua nhà ở xã hội nhiều hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát; đồng thời đề nghị, tỉnh cần lưu tâm tới các dự án chưa giao đất, không để nguy cơ mất cân đối cung cầu; có kế hoạch trọng tâm trong việc phát triển nhà ở.
Về các giải pháp phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, tỉnh cần làm rõ, cụ thể hơn các kế hoạch đã nêu; tiếp tục rà soát về mặt thể chế, nhất là những luật mới ban hành.
Đồng thời, địa phương cần tính toán, xác định lại nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp; xem xét giải quyết vướng mắc của các dự án hiện nay.
Các kiến nghị của tỉnh sẽ được Đoàn giám sát rà soát, xem xét, tổng hợp và báo cáo cụ thể với Quốc hội về các vướng mắc và kiến nghị từ thực tế, nhằm hoàn thiện chính sách và pháp luật. Từ đó, giúp quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn.
Trước đó, Đoàn công tác số 3 của Quốc hội đã có buổi đi thực tế các dự án bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tiếp xúc và tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản tại địa phương./.
Bình Dương cần 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Dương phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, Bình Dương đã nâng cao mục tiêu này khi dự kiến đầu tư khoảng 160.325 căn.