Ngày 13/3, Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập (EEDC) đã chính thức khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vực dậy nền kinh tế quốc gia bị suy giảm mạnh sau hơn bốn năm bất ổn chính trị và an ninh.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh: "Sự ổn định của Ai Cập mang lại ổn định cho toàn khu vực. Ai Cập là hình mẫu của đức tính khoan dung, một quốc gia đã lên án chủ nghĩa cực đoan và bạo lực," đồng thời tái khẳng định lập trường không khoan nhượng của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan với tuyên bố Cairo "sẽ luôn đứng đầu chiến tuyến" chống lại các mối đe dọa của khu vực.
Tổng thống al-Sisi cho biết Ai Cập sẽ triển khai các chiến lược và chính sách rõ ràng nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cam kết thanh toán các khoản nợ còn lại cho các công ty nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng công bố một số đại dự án với tổng số vốn hàng chục tỷ USD đang tìm kiếm các nhà đầu tư, trong đó có dự án đào Kênh Suez mới, dự án phát triển khu vực nằm dọc tuyến đường thủy chiến lược này, dự án Tam giác Vàng, cũng như các dự án xây dựng sân bay, các tuyến đường ca tốc mới, quản lý chất thải, khai thác khoáng sản và phát triển du lịch.
Ngay tại hội nghị, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait đã công bố gói viện trợ, đầu tư và ký quỹ tại Ngân hàng Trung ương Ai Cập lên đến 12 tỷ USD. Trong đó, Saudi Arabia và UAE thông báo cấp cho Cairo các khoản ký quỹ với số tiền tương ứng 1 tỷ và 3 tỷ USD.
Về phần mình, Kuwait cho biết các thể chế của vương quốc này sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào một số lĩnh vực tại Ai Cập. Trước đó, ba quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ này đã viện trợ cho Ai Cập tổng cộng 23 tỷ USD kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi đầu háng 7/2013.
EEDC được tổ chức từ ngày 13-15/3 dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia và UAE. Ngoài 23 tổ chức khu vực và quốc tế, sự kiện quan trọng này còn thu hút sự tham dự của 112 quốc gia với hơn 20 nguyên thủ và 2.000 đại biểu là các quan chức chính phủ, lãnh đạo các công ty đa quốc gia và các nhà kinh tế.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đã tham dự hội nghị và dự kiến có các cuộc tiếp xúc bên lề với lãnh đạo nước chủ nhà.
Theo các nhà phân tích, ngoài kỳ vọng thu hút nhiều tỷ USD vốn đầu tư vào hàng chục dự án, mục đích của hội nghị nói trên còn nhằm chuyển thông điệp về sự trở lại của Ai Cập trên trường quốc tế.
Trên thực tế, sự có mặt đông đảo của các nhà lãnh đạo thế giới và giới đầu tư cho thấy khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế đối với chính quyền và nhân dân Ai Cập đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Kể từ khi lên tuyên thệ nhận chức hồi tháng 6/2014, Tổng thống al-Sisi đã tiến hành một loạt cải cách kinh tế quan trọng, trong đó có việc cắt giảm trợ cấp năng lượng và áp dụng nhiều biểu thuế mới trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.
Trong năm tài chính 2015-2016, Ai Cập đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,3% so với mức trung bình 2% từ khi cuộc nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giảm thâm hụt ngân sách từ 12,8% xuống còn 10% và giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 13,1% hiện nay xuống còn 12%./.