60 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập

Ít nhất 60 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập

Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 2/3 vừa ra thông báo khẳng định có ít nhất 60 quốc gia sẽ cử đại diện cấp cao tham dự Hội nghị Phát triển Kinh tế sắp tới diễn ra tại khu nghỉ mát nổi tiếng Sharm El-Sheikh.
Ít nhất 60 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập ảnh 1Một khu phố buôn bán tại Ai Cập. (Nguồn: www.arabiangazette.com)

Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm 2/3 vừa ra thông báo khẳng định có ít nhất 60 quốc gia sẽ cử đại diện cấp cao tham dự Hội nghị Phát triển Kinh tế sắp tới diễn ra tại khu nghỉ mát nổi tiếng Sharm El-Sheikh trên bờ Biển Đỏ.

Nguồn tin này cho hay Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập dự kiến được tổ chức vào giữa tháng này ​​sẽ có sự góp mặt của các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abdel Atti tuyên bố Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhiều khả năng sẽ tham dự hội nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã xác nhận với Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, Sameh Hassan Shoukry, rằng phía Bắc Kinh sẽ cử Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành dẫn đầu đoàn đại biểu tham gia sự kiện.

Ông Atti cũng nói thêm rằng hiện Ai Cập đang xúc tiến các cuộc tiếp xúc với 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) để mời các quốc gia này đến dự hội nghị.

Theo lịch trình, Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập sẽ được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, khu vực Nam Sinai từ ngày 13-15/3.

Trong khuôn khổ sự kiện, Chính phủ Ai Cập sẽ giới thiệu khoảng 30 dự án lớn nhằm kêu gọi số tiền đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Phần lớn các dự án này tập trung trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải, nước sạch, hậu cần và xây dựng kho chứa ngũ cốc. Bên cạnh đó, hội nghị còn có một số phiên thảo luận chuyên đề liên quan tới các lĩnh vực đầu tư, thị trường vốn, việc làm tại Ai Cập.

Hiện tại, chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah el Sisi đang tìm cách thu hút ít nhất 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tài khoá 2014-2015 (kết thúc vào tháng Sáu tới), cao gấp đôi so với tài khoá trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.