Các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải đã “ngấm” thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19. Bức tranh về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu sụt giảm nghiêm trọng đã ngày càng hiện rõ.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong ba tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách dự kiến 527,8 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của VNR giảm từ 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch và lỗ từ 694 tỷ đồng đến 935 tỷ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch COVID-19.
Chỉ ra nguyên nhân, phía VNR cho biết từ đầu năm tới nay các Công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế do không có khách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tạp. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao.
[Đường sắt thay đổi chiến lược kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19]
Cùng cảnh ngộ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng không thoát khỏi “vòng xoáy” dịch COVID-19 khi doanh thu hợp nhất ba tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.218 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng.
Dự kiến nếu dịch kéo dài đến quý 4/2020, doanh thu của công ty mẹ Vinalines ước đạt 1.269 tỷ đồng, giảm 279 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; ước lỗ 76 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vinalines, hệ thống các cảng của đơn vị đều bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến cảng, hoặc hủy chuyến, neo chờ thậm chí lên đến 10 ngày. Các hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kỳ.
Mặt khác, vận tải biển bị ngưng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây là thị trường Châu Âu và Mỹ. Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu, hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Vietnam Airlines. Báo cáo từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/03/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Với tình hình tài chính trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước bày tỏ lo ngại nguy cơ các Ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo đề nghị của Vietnam Airlines và các Công ty con.
“Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020,” ông Hoàng Anh thông tin.
[Thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử của ngành hàng không Việt]
Được biết, Vietnam Airlines đã đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%), bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.
Điểm sáng duy nhất trong dịch bệnh COVID-19 và không chịu lỗ chính là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn báo lãi với lợi nhuận quý 1/2020 ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng năm 2019.
Cụ thể, tổng doanh thu của ACV trong quý 1/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020./.