Các doanh nghiệp ngành giao thông sau khi chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ không hề bị ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh, sản xuất bởi được tách bạch, phân cấp rõ ràng của mỗi đơn vị về nhiệm vụ bảo toàn vốn doanh nghiệp cũng như chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất của việc chuyển giao này khi sử dụng nhiều vốn ngân sách, vốn xã hội hóa rất ít, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhìn nhận, chuyển doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về bản chất sẽ mang đến sự thuận lợi hơn. Khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì mục tiêu là tách bạch hơn nữa chủ sở hữu vốn của Nhà nước và quản lý Nhà nước.
[‘Siêu ủy ban’ không can thiệp vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp]
Ngoài ra, theo ông Minh, thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ có một cơ quan đầu mối điều phối, quản lý chung nguồn vốn của Nhà nước đang đầu tư vào các doanh nghiệp. Trước kia, VNR kiến nghị hoặc báo cáo qua Bộ Giao thông Vận tải giờ phải báo cáo qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và từ đó Ủy ban quản lý vốn Nhà nước kiến nghị, gửi ý kiến sang các Bộ quản lý ngành sẽ có tiếng nói độc lập hơn so với cơ quan chuyên ngành trước đó không thể hiện rõ vai trò.
“Khi đó, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ thông qua Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để gửi đến Bộ chuyên ngành và tổng hợp, phục vụ sự phát triển và điều hành doanh nghiệp,” ông Minh cho hay.
Hơn nữa, ông Minh đánh giá, việc chuyển giao các Tổng công ty về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ chuyên tâm về mặt bảo toàn, phát triển vốn của doanh nghiệp khi minh bạch hơn so với thuộc Bộ quản lý chuyên ngành vì Bộ có hai nhiệm vụ là quản lý Nhà nước và quản lý chủ sở hữu.
“Trước doanh nghiệp thực hiện song song nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh nhưng lại không được tính đúng, tính đủ như giảm giá để phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước và chiến lược ngành. Giờ tách bạch về nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh thì tính độc lập, minh bạch hơn nhiều,” ông Minh phân tích.
Dẫn chứng, đường sắt chạy tuyến tàu an sinh lỗ dù nhiều lần kiến nghị nhưng Bộ Giao thông Vận tải chỉ ghi nhận mà Nhà nước chưa bố trí vốn bù lỗ cho đường sắt. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải có tiếng nói để Nhà nước biết được còn bù hay không, từ đó có sự so sánh để hạch toán giảm lợi nhuận so với kế hoạch đã đưa ra, như vậy mục tiêu đã được tách bạch rõ ràng.
Trả lời về các dự án giao thông đường sắt đã, đang và sắp triển khai gặp vướng mắc gì nếu chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, ông Minh cho rằng, về mặt chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát xem dự án có nằm trong chiến lược phát triển chung của nghành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông qua. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện quản lý giám sát trong việc thực thi, chủ thể thực thi là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.
Theo quan điểm cá nhân ông Minh, quản lý Nhà nước hạn chế thực hiện dự án mà cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước quản lý vì không ai hiểu bằng đơn vị nắm tài sản. Còn, Bộ quản lý chuyên ngành chỉ chuyên xây dựng thể chế, chính sách và thực thi quyền giám sát dự án. Quan trọng nhất là Chính phủ vẫn phải điều tiết.
Có ý kiến cho rằng Bộ quản lý chuyên ngành trước kia “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nhưng giờ chỉ có quyền “thổi còi” liệu có gây khó dễ cho các dự án của doanh nghiệp triển khai, ông Minh nhấn mạnh, về mặt lý thuyết sẽ không có chuyện đó vì đã phân cấp rõ ràng nhiệm vụ của từng cơ quan.
['Siêu ủy ban' ra đời sẽ xóa tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi?]
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Vinalines cho hay, về nguyên tắc, vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Giao thông Vận tải hay Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đảm nhiệm đều do Thủ tướng Chính phủ quản lý nên hoạt động kinh doanh của đơn vị không hề bị ảnh hưởng và sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra để đạt được kết quả tối ưu nhất sau cổ phần hóa.
“Hiện tại, Vinalines đang trong quá trình cổ phần hóa nên cơ cấu vốn điều lệ Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa cụ thể. Việc xác định vốn điều lệ của Nhà nước sẽ được tiến hành theo đúng quy định cổ phần hóa. Sau khi xác định cụ thể, phần vốn Nhà nước tại Vinalines mới được chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước. Dự kiến đến cuối tháng Mười hoặc giữa tháng 11 tới đây sẽ có kết quả,” ông Hải nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, cả trước và sau khi chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban, Bộ Giao thông Vận tải vẫn sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành.
“Sau khi việc chuyển giao hoàn tất, Bộ Giao thông Vận tải sẽ vẫn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng hàng không nói riêng. Với ACV, kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ phải được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua với tư cách là chủ sở hữu. Nhưng về mặt quản lý Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn là Bộ Giao thông Vận tải,” ông Thanh nói.
[Thủ tướng: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là đơn vị kinh tế trọng yếu]
Đơn cử, ACV muốn đầu tư một nhà ga, trước tiên phải được Ủy ban đồng ý trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế đó, ACV có được vào làm dự án đó không, sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quyết định.
Đề cập đến nhân sự của các doanh nghiệp sau khi chuyển giao có sự thay đổi, ông Minh cho biết, nhân sự là quyền của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước bởi đơn vị này là chủ sở hữu quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Đơn vị này sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ về quy hoạch nhân sự, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, điều động, khen thưởng, kỷ luật… Riêng chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định./.