Hiện nay nhiều địa phương rục rịch nới lỏng giãn cách và cho phép mở lại nhiều hoạt động.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, từng bước nói lỏng theo lộ trình 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2021 đến 31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn 3 là sau 15/1/2022.
Điều đó mở ra kỳ vọng cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động sản xuất chương trình giải trí, chiếu phim... được trở lại trong giai đoạn 1 và 2.
"Hy vọng rạp phim được mở lại trong tháng 11, nếu phải chờ giai đoạn 3 thì khả năng các nhà rạp sẽ phá sản," ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện hệ thống chiếu phim CGV chia sẻ.
[COVID-19: Doanh nghiệp chiếu phim 'khóc ròng' vì tương lai mịt mù]
Ở khu vực miền Bắc và miền Trung, dịch bệnh đã dần được khống chế. Tuy nhiên, người yêu điện ảnh cũng lo ngại việc ra rạp mà không có phim mới vì phải chờ thị trường lớn nhất - Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời cho vấn đề này, đại diện các rạp chiếu cho biết lịch ra mắt phim sẽ phụ thuộc vào phía phát hành. Có đơn vị phát hành chỉ cho công chiếu phim khi lượng rạp cả nước đã mở 50%, cũng có đơn vị chỉ cho chiếu khi 100% cụm rạp toàn quốc đã mở hết.
Cùng với đó, mỗi phim thường có chiến lược về ngày chiếu, phim phải phù hợp với các dịp lễ trong năm hoặc ra mắt thời điểm ít cạnh tranh với phim lớn nước ngoài. Năm nay, phim ngoại cũng liên tục phải lùi ngày hoặc chưa ấn định lịch chiếu vì dịch bệnh ở Việt Nam như "Xứ cát," "Ma trận 4," "Không phải lúc chết" hay "Fast 9," "Suicide Squad: Điệp vụ cảm tử"...
Như vậy, có khả năng các rạp chiếu sẽ sớm mở lại ở các tỉnh phía Bắc song phải đối mặt nguy cơ chỉ chiếu phim cũ. Bản thân CGV có cụm rạp ở Cẩm Phả, Quảng Ninh mở xuyên làn sóng dịch thứ tư nhưng doanh thu yếu vì chỉ chiếu phim cũ.
Nguồn phim Việt mới cũng là vấn đề của các nhà sản xuất. Theo thống kê của Moveek.com - trang tổng hợp lịch chiếu phim tại Việt Nam, năm 2021, số phim Việt kịp lên rạp trước dịch chỉ vỏn vẹn dừng ở con số 13, còn khoảng 28 dự án phim khác đang kẹt ở giai đoạn tiền kỳ, chưa khởi quay, đang quay dở hoặc chờ khởi chiếu.
Năm 2020 và 2021 ghi nhận nhiều hiện tượng phim Việt tạo được dư luận tốt hoặc đem về doanh thu ấn tượng như “Bố già,”“Tiệc trăng máu” hay hiện tượng phim độc lập “Ròm” thu hút dư luận đa chiều...
Với cơ sở đó, ông Đoàn Thạch Cương, giám đốc kinh doanh của Lotte khẳng định sức hút của phim Việt ngày càng tăng. Theo ông, đây là cơ sở để đặt kỳ vọng các nhà sản xuất sớm tái khởi động guồng sản xuất phim.
[Doanh nghiệp xin trở lại quay phim, sản xuất truyền hình từ tháng Mười]
Trước đó vào cuối tháng 9/2021 vừa qua, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất phim và các chương trình truyền hình tại Thành phố Hồ Chí Minh như Galaxy Play, BHD chi nhánh TP. HCM, CJ, Đất Việt DAC… đã làm đơn đề nghị, cho phép các doanh nghiệp này trở lại hoạt động vào giai đoạn nới lỏng 1 của thành phố - tức giữa tháng 10/2021.
Mục đích các doanh nghiệp đưa ra là để đảm bảo nguồn phim, nội dung giải trí trong nước và xử lý các dự án tồn đọng, giải quyết vấn đề việc làm cho nhân sự của các đoàn phim…/.