Doanh nghiệp vận tải được 'tiếp sức' vượt qua dịch bệnh COVID-19

Hiện nay, các đơn vị vận tải rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh
Các đơn vị vận tải đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thu không đủ bù chi giữa ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Các đơn vị vận tải đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thu không đủ bù chi giữa ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hàng loạt chính sách giảm phí, lệ phí của các cơ quan quản lý Nhà nước được ví như là thuốc trợ lực cho các doanh nghiệp vận tải nhằm đảm bảo duy trì hoạt động, tránh phá sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

Liều thuốc kịp thời

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách trong sáu tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch; trong đó vận tải hàng hóa có sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70-80%. Thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt khoảng hơn 50%.

Hiện có khoảng trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Từ ngày 1/4/2020 đến nay đã có 4 đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phương tiện hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế cũng như trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.

“Nếu dịch COVID-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản," đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Chính phủ hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính để các doanh nghiệp vận tải khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm thuế, phí; giãn nộp thuế nợ đọng; tăng chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải lên 24 tháng; lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát...

Đánh giá những hỗ trợ chia sẻ khó khăn ban đầu kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Khúc Hữu Thanh Hải-Giám đốc công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho biết các đơn vị vận tải đã giảm bớt được phần nào về gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

“Từ ngày 1/7 cho đến hết năm 2021, các đơn vị vận tải tiếp tục được giảm 30% phí đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải; xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%, Giảm phí đường bộ giúp đơn vị vận tải bớt được chi phí. Khi xe nào đi đăng kiểm chỉ phải nộp 70% số phí còn lại,” ông Hải nói.

[Doanh nghiệp vận tải lo phá sản trước 'cú tát trời giáng' của COVID-19]

Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đây là đợt giảm phí thứ 3 liên tiếp (bắt đầu từ ngày 10/8 đến hết năm 2020, sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm 2021), nhằm hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Việc giảm phí được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện,” ông Bình nói.

Về số lượng xe được giảm trừ, theo ông Bình, hiện chưa có thống kê cập nhật cụ thể. Còn trong đợt giảm đầu tiên ước tính có hơn 805 nghìn xe được giảm, với số tiền khoảng hơn 316 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng; cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi nộp chậm); tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…

Vẫn cần nhiều trợ lực từ Nhà nước

Trong lĩnh vực hàng không, một số phí, lệ phí được giảm đáng kể. Cụ thể, phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được giảm bằng 90% mức thu phí hiện hành; phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu hiện hành. Việc giảm phí được áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay cũng được giảm bằng 80% mức thu phí quy định.

Nhấn mạnh những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không, cả về thuế, phí, giá.

[Kiến nghị một loạt các giải pháp về tài chính để 'vực' hàng không Việt]

Mặt khác, Cục Hàng không cũng đã hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch COVID-19 nên các dự báo, mức độ ảnh hưởng đều nằm ngoài dự tính.

Doanh nghiệp vận tải được 'tiếp sức' vượt qua dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Máy bay của các hãng hàng không nằm sân la liệt tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy vậy, Cục Hàng không đưa ra dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Hơn nữa, tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.

“Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách,” lãnh đạo Cục Hàng không nói.

Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng giải pháp quan trọng nhất thời điểm này là phải có tiền để trang trải các chi phí bởi sức ép của các chủ nở rất lớn. Kế đó, các hãng hàng không phải tái cơ cấu được các khoản nợ; tái cơ cấu hoạt động để tiết giảm chi phí.

“Các hãng hàng không hoạt động bay được thì mới sống. Do vậy, Nhà nước cần có thêm các chính sách trợ lực bơm vốn để các hãng tránh lâm vào nguy cơ phá sản, đủ sức cạnh tranh với hãng bay nước ngoài khi thị trường phục hồi,” một chuyên gia hàng không nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục