Ốc gác bếp là món ăn dân dã, truyền thống của nhiều gia đình ở vùng quê sông nước Tây Nam Bộ.
Anh Lê Hồng Lâm, trú tại phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa sản phẩm ốc gác bếp, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Anh Lê Hồng Lâm chia sẻ ngày xưa, gia đình anh có làm món ốc lác gác bếp như đặc sản của gia đình để đãi khách quý.
Loài ốc lác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô và sống trong thời gian dài. Những người đi làm ruộng bắt được ốc lác thường mang về nhà, bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để xông khói.
[Ốc viết - sản vật trời cho đối với người dân Bến Tre mùa gió chướng]
Bằng cách làm như vậy, con ốc như “ngủ” suốt nhiều tháng nên to mập, thịt ốc trắng sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và giàu dinh dưỡng như: nướng tiêu, hấp sả, luộc sả...
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa học, từng công tác ở doanh nghiệp và trường học, anh Lê Hồng Lâm cho biết với mong muốn mang món ăn ngon của quê hương đi xa, đến tay nhiều người tiêu dùng và phát triển kinh tế gia đình, năm 2018, anh Lâm nghiên cứu sản xuất ốc gác bếp.
Anh Lê Hồng Lâm cho hay: “Làm ốc gác bếp có thể hiểu là tạo môi trường thuận lợi để con ốc 'ngủ' yên. Lúc đầu, tôi làm cho ốc “ngủ” bằng phương pháp truyền thống như mang ốc treo giàn bếp hay vùi trong đất. Tỷ lệ thành công cũng khá cao nhưng có nhiều hạn chế là chỉ sản xuất được số lượng nhỏ, tốn thêm chi phí vệ sinh ốc sạch sẽ trước khi bán… Qua nhiều lần thất bại, tôi đã nghiên cứu thành công giải pháp cho ốc 'ngủ' nhanh và xử lý để ốc thảy ra hết những tồn dư trong cơ thể như phân, thức ăn… trước khi 'ngủ' yên.”
Năm 2019, mẻ ốc gác bếp đầu tiên sản xuất bằng phương pháp mới của anh Lâm cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhận phản hồi tốt từ khách hàng và cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê của anh Lâm cũng được thành lập.
Đến nay, chưa có nhiều người nuôi ốc lác nên anh Lâm thu mua ốc tự nhiên từ các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp và An Giang.
Để món ốc gác bếp đạt chất lượng, anh mua ốc nguyên liệu trong giai đoạn từ giữ mùa mưa đến cuối mùa mưa hằng năm vì thời điểm này đầy đủ thức ăn, ốc to mập.
Sau khi mua về, anh phải lựa chọn lại, loại bỏ những con ốc bị vỡ vỏ hay kích thước quá nhỏ; xử lý cho ốc sạch sẽ rồi làm cho ốc “ngủ” giống như khi gặp điều kiện khô hạn trong tự nhiên, mất ít nhất 3 tháng để sản phẩm đạt chất lượng như ý và xuất bán.
Xác định mẫu mã bao bì là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của sản phẩm, anh Lâm đã tìm tòi, nghiên cứu và quyết định đựng ốc gác bếp trong những chiếc giỏ tre, gáo dừa. Điều này đã tạo ấn tượng đối với nhiều khách hàng, tái hiện hình ảnh quen thuộc của ngày xưa.
Sản phẩm ốc gác bếp dễ bảo quản, có hạn sử dụng 1 năm nhưng qua các vòng thử nghiệm, ốc có thể giữ được 2 năm vẫn còn tươi ngon.
Sản phẩm ốc gác bếp Tình Quê được bán tại một số nhà hàng, quán ăn, trạm dừng chân, phân phối cho mạng lưới bán lẻ (bán online)… với giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc tươi bình thường.
Mỗi tháng, cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê của anh Lâm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1 tấn ốc, doanh thu trên 200 triệu đồng.
Anh Lê Hồng Lâm cho biết cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê chuẩn bị ký kết hợp đồng cung cấp mỗi tháng 5 tấn ốc cho một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở đang thực hiện các thủ tục cần thiết để ốc gác bếp được công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mở rộng thị trường hơn nữa; tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương pháp sản xuất, giảm giá thành, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng.
Thời gian tới, ngoài ốc gác bếp, cơ sở nghiên cứu, sản xuất đông lạnh các loại cá nước ngọt đặc trưng của Đồng Tháp, gồm cá linh, cá lóc, cá rô.
Vì vậy, cơ sở mong muốn ký kết hợp đồng với một đơn vị xuất khẩu nhằm xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sang nước ngoài và vay thêm vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp Trần Trọng Hữu, mô hình khởi nghiệp từ sản phẩm ốc gác bếp của anh Lê Hồng Lâm khá đặc biệt vì anh đã biến món ăn dân dã trước đây thành món ăn đặc sản, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương; nâng cao giá trị kinh tế của con ốc lác.
Để “tiếp sức” cho cơ sở sản xuất ốc gác bếp Tình Quê của anh Lâm thêm phát triển, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh đã liên hệ với cơ sở để nắm tình hình và có thể hỗ trợ về việc kết nối, mở rộng thị trường; tập huấn nâng cao năng lực tiếp thị, bán hàng, quản lý điều hành; tạo điều kiện cho cơ sở tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất./.