Một thống kê gần đây cho thấy, trong cả năm 2013 có tới 28 bệnh truyền nhiễm nhưng chỉ gây ra 262 ca tử vong, trong khi đó, riêng bệnh HIV/AIDS đã gây ra 2.299 ca tử vong.
Trong vòng 2-3 năm tới là thời hạn cuối cùng để nhiều tổ chức quốc tế rút phần lớn các khoản viện trợ trong các chương trình phòng chống HIV.
Bài toán về cân đối tài chính trong công tác này hơn bao giờ hết được đặt ra để duy trì sự bền vững của chương trình phòng chống HIV/AIDS nhằm tránh xảy ra một thảm họa bệnh tật.
Phòng chống "căn bệnh thế kỷ": Phấp phỏng nỗi lo thiếu hụt kinh phí
Sẽ thiếu thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ rõ, nguồn kinh phí quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.
Hiện nay, có 95% kinh phí để mua thuốc kháng virus (ARV) và 100% kinh phí để mua thuốc Methadone để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS quan trọng khác, như truyền thông, tư vấn xét nghiệm, giám sát đại dịch... đều do các tổ chức quốc tế viện trợ.
Chia sẻ về những khó khăn khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, phó giáo sư Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay, trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tăng khoảng 100-200 bệnh nhân. Sắp tới, nếu nguồn viện trợ của quốc tế giảm, bệnh viện sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như không có thuốc điều trị miễn phí, không có hỗ trợ về mặt xét nghiệm và những chi phí này bệnh nhân phải tự chi trả.
Ông Kính phân tích, nếu viện trợ nước ngoài bị cắt giảm thì đồng nghĩa với việc thiếu những thuốc bậc 2 trong công tác điều trị. Vì hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được những thuốc bậc 2, do vây khả năng cho bác sỹ lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân rất khó.
“Thứ hai theo Luật Dược, những thuốc mới ra đời phải dùng ở nước ngoài 5 năm mới được phép đăng ký và sử dụng ở Việt Nam. Do đó, ở nước ngoài thuốc điều trị của họ là bậc 2,3,4 nhưng chúng ta mới chỉ có thuốc điều trị bậc 2. Nếu nguồn viện trợ bị cắt giảm thì khhả năng điều kiện tiếp cận thuốc mới rất khó khăn,” phó giáo sư Kính nhấn mạnh.
Phó giáo sư Kính kiến nghị, để công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS được bền vững thì phải có kinh phí. Trước đây có sự tài trợ của quốc tế, nếu nguồn tài chính của quốc tế rút đi thì phải có sự bù đắp ít nhất cũng bằng với sự tài trợ của quốc tế vì tất cả các bệnh nhân họ phải điều trị suốt đời.
Nguy cơ dịch HIV/AIDS sẽ lan nhanh ra cộng đồng
Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Việt Nam chỉ có thể kết thúc được dịch HIV khi nào mỗi năm cả nước chỉ còn dưới 1.000 ca nhiễm HIV mới. Trong khi đó, số người nhiễm HIV phát hiện mới trong năm 2013 là 12.599 người. Như vậy với mục tiêu này thì việc khống chế số ca nhiễm mới của Việt Nam vẫn còn rất xa mới đạt được.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đánh giá, hiện nay, Việt Nam mới chỉ giảm được tốc độ gia tăng của dịch HIV/AIDS, chứ chưa khống chế được dịch. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân tử vong và gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam.
Trong khi đó, chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS được giao ngày càng tăng cao, như điều trị ARV tăng từ 84.000 lên 105.000 bệnh nhân, điều trị Methdone tăng từ 20.000 lên 80.000 người và năm 2015…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, trên thực tế, nếu không huy động đủ kinh phí, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bị bùng phát trở lại.
“Kịch bản xấu nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS bị thiếu hụt trầm trọng thì các hoạt động dự phòng không được triển khai, không triển khai được các hoạt động xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị, sẽ bị kháng thuốc khi không tuân thủ điều trị...,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Như vậy, hệ quả là số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng sẽ tăng nhanh. Dịch HIV/AIDS không còn ở mức độ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo, đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ bùng phát trở lại, gây tác động to lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội nếu như không có các giải pháp kịp thời. Đây không phải là một “viễn cảnh” xa, mà đã và đang xảy ra ở một số quốc gia, nhất là các nước nghèo ở châu Phi không quan tâm đầy đủ đến phòng, chống HIV/AIDS./.
Bài 3: Công cuộc phòng chống HIV: Việt Nam không còn thời gian để uổng phí