Đổi mới thể chế tài chính, nâng cao hiệu quả cân đối ngân sách

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm thu chi ngân sách Nhà nước.
Đổi mới thể chế tài chính, nâng cao hiệu quả cân đối ngân sách ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 29/5, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh kỷ cương tài chính; giám sát và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích ngân sách Nhà nước.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, quyết toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2012 là 1.058.140 tỷ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 754.572 tỷ đồng, tăng 1,9% (14.072 tỷ đồng) so với dự toán và tăng 11.382 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ năm.

Thu ngân sách đã bảo đảm nguồn lực để quản lý nhà nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán được Quốc hội quyết định.

Quyết toán chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2012 là 1.170.924 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 978.463 tỷ đồng, tăng 8,3% so với dự toán và tăng 72.673 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ năm .

Nguồn thu chưa ổn định

Thảo luận tại buổi làm việc, cho rằng cơ bản Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua, tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ những tồn tại trong công tác cân đối thu, chi ngân sách như một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc.

Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán.

Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều. Chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn trong Báo cáo Quyết toán đánh giá về tình tình, nguyên nhân một số khoản chi cụ thể, được coi là then chốt như chi cho khoa học, công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu.

Đánh giá kết quả chi cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ còn quá thấp, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, trong 4 năm từ 2009 đến 2012, chi liên tục ở tỷ lệ thấp, giảm nhiều so với dự toán. Nhưng trên thực tế, các lĩnh vực này rất khó khăn về vốn.

Không đồng tình với nhận định “có tiến bộ,” đại biểu đề nghị Báo cáo Quyết toán cần phân tích rõ những nguyên nhân của thực trạng nhu cầu lớn nhưng giải ngân chậm; đồng thời Chính phủ cần có những biện pháp khắc phục vấn đề này trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu phát triển những lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Một số ý kiến bày tỏ tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng nguồn thu chưa ổn định, vững chắc.

Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng số tăng thu chủ yếu là thu từ dầu thô và các khoản thu về đất đai, đồng thời các khoản thu này cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu.

Ngoài ra, tình trạng nợ đọng, thất thu thuế vẫn diễn ra nghiêm trọng, chưa được giải quyết căn cơ.

Siết kỷ luật thu chi ngân sách

Môt số ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm thu chi ngân sách Nhà nước; xử lý nghiêm minh hơn các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh diễn biến bất lợi trên Biển Đông, càng cần phải chắt chiu ngân sách quốc gia.

Phản ánh những vi phạm trong chi ngân sách, đại biểu Võ Thị Dung đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn các khoản mua sắm xe công. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế năm 2012 khó khăn nhưng khoản chi này vẫn rất cao. Đại biểu đề nghị làm rõ có hay không việc vi phạm chi tiêu trong nội dung này và xử lý trách nhiệm cụ thể.

Đại biểu Võ Thị Dung cũng đề nghị xem xét lại chính sách tài chính trong việc triển khai một số dự án di dân lớn trong các vùng thiên tai cho phù hợp với tình hình hiện nay; đề nghị thắt chặt chi tiêu; rà soát, điều chỉnh, loại bỏ các chính sách không hiệu quả, gây tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh); Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị cần giám sát chặt chẽ việc chấp hành kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong thu chi ngân sách. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng “hòa cả làng”; phải công khai kết quả kiểm toán đến các cơ quan dân cử ở địa phương.

Một số ý kiến tại buổi thảo luận cũng đề nghị khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế bằng cách đẩy mạnh công tác thanh tra thuế.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ kiên quyết hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý hành vi chuyển giá, đảm bảo chống thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này, đặc biệt là sớm có những đổi mới mạnh mẽ, căn cơ về thể chế tài chính, nâng cao hiệu quả cân đối thu chi ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục