Trong khi huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một bài toán khó thì vẫn có nhiều dự án giao thông lập kỷ lục về chậm tiến độ, đội vốn đầu tư kéo theo nhiều hệ lụy.
Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ vướng mắc thì một trong những điều kiện quan trọng để đưa công trình giao thông về đích đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đầy kinh tế-xã hội phát triển là phải có những đơn vị, doanh nghiệp thực lực với sự đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để triển khai dự án, từ đó hạ tầng giao thông mới có thể phát triển bứt phá đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Vắt qua 2 thập kỷ
Bên cạnh những tuyến đường, công trình giao thông đáp ứng tiến độ, kịp thời đưa vào khai thác, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số dự án giao thông triển khai “ì ạch”, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, gây bức xúc cho người dân.
Có thể kể đến dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội khởi công lần đầu năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng do quá nhiều vướng mắc nên dự án gần như bị đình trệ và bắt đầu được tháo gỡ từ năm 2016- 2019, tổng vốn đầu tư dự án cũng bị đội giá 87% so với ban đầu.
Đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới phức tạp, các hợp đồng của dự án đều sử dụng mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Do chậm tiến độ nên phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, điều chỉnh hợp đồng hết sức phức tạp, nảy sinh các vấn đề khiếu kiện.
Hiện nay, dự án này đã cơ bản hoàn thành đoạn trên cao, chuẩn bị vận hành vào cuối năm 2022. Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư dự án), hiện Ban đang phấn đấu giải ngân 3.100/3.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93% so với kế hoạch vốn được giao đầu năm.
[Động lực cho phát triển Hà Nội: Diện mạo và tâm thế mới]
Đứng trước khu Depot tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội, anh Nguyễn Khắc Kiên, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), một trong 130 hộ dân bàn giao đất nông nghiệp của gia đình để triển khai tuyến đường sắt này hồ hởi cho biết sau 16 năm mòn mỏi chờ đợi, các hộ dân sắp được giao đất đền bù.
Theo anh Nguyễn Khắc Kiên, trước đây, chính quyền địa phương đã không thông báo, phổ biến quyền lợi người dân được hưởng sau khi bàn giao mặt bằng nên khi phát hiện quyền lợi của mình bị bỏ sót bà con mang đơn đi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng nhiều năm vẫn không được giải quyết.
Rất may, mới đây, thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của liên ngành, chấp thuận giao đất dịch vụ cho 130 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện dự án Depot tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
“Chúng tôi cảm thấy hài lòng trước quyết định kịp thời của thành phố và mong rằng tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội sớm được đưa vào khai thác và sử dụng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” anh Nguyễn Khắc Kiên nói.
Dự án đường vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng-quốc lộ 1A cũng nằm trong top dự án chậm tiến độ kỷ lục. Được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, nằm trong những dự án giao thông trọng điểm, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Nhưng sau gần 20 năm, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, dự án này vẫn “đắp chiếu,” công trình trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải xây dựng nhếch nhác, bẩn thỉu, mùi hôi thối nồng nặc quanh năm, mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc.
Ngoài hai công trình trên, trên địa bàn thành phố còn một số dự án triển khai tốc độ “rùa bò” như Dự án đường Vành đai 3,5, đoạn đại lộ Thăng Long-quốc lộ 32 khởi công vào tháng 10/2017, dự kiến đưa vào sử dụng sau 10 tháng thi công nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa)… cũng chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Việc dự án triển khai dây dưa, kéo dài khiến dự án bị đội vốn, giảm giá trị đầu tư, trong khi ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô ngày càng trầm trọng.
Điểm sáng cầu vượt sông và đường trên cao
Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào cuối tháng 8/2022 để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đối với các dự án của thành phố Hà Nội, báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Nguyễn Chí Cường cho biết, hiện ban đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm, tỷ lệ giải ngân đạt mức cao của cả nước.
Để đưa các công trình về đích đúng tiến độ, Ban quản lý dự án đã đổi mới trong chỉ đạo, điều hành thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương…. Nhờ đổi mới biện pháp thi công giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy đã giúp công trình “vượt lũ” thành công.
Việc thay đổi phương pháp đổ bê tông cũng giúp nhà thầu chủ động được nguồn cung cấp vật tư, vật liệu bằng đường sông, giá nguyên vật liệu cũng bớt được chi phí cho khâu trung gian…Nhờ đó, thời gian thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 giảm được 1,5 năm so với giai đoạn 1, dự kiến hợp long cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào tháng 6/2023 và khánh thành vào tháng 10/2023.
Trên công trường cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang vào giai đoạn nước rút. Ở chiều cao cách mặt sông 29 m thuộc hạ lưu sông Hồng, các công nhân của liên danh nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính đang hối hả thi công ván khuôn để chuẩn bị lắp thép cho công đoạn đổ bê tông, còn ở phía dưới những công nhân khác cũng đang gia công thép phục vụ thi công các khối đúc hẫng để lắp đặt ván khuôn. Liên danh đảm nhiệm thi công cầu chính vượt sông chủ.
“Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và 2 lần lũ dâng cao, có lúc 40% nhân công phải cách ly, việc thi công phải tạm dừng 20 ngày để tránh lũ. Nhưng nhờ tăng người, tăng ca, công tác an toàn nhịp nhàng nên không ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình. Hiện, liên danh nhà thầu đã huy động nhân lực đến 40 người/1 trụ cầu, mỗi trụ bố trí ít nhất 1 cẩu, ngoài ra một số cẩu phục vu luân chuyển, công trường đảm bảo 24/24 giờ đều có người thi công. Công đoạn khó khăn nhất là thi công bệ thân trụ cầu đã vượt qua, hiện nhà thầu đang tập trung thi công nốt kết cấu phần trên cầu để có thể thông cầu vào dịp 2/9/2023,” đội phó đội thi công Thái Đình Đạo - Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết.
Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội, đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy cũng được đánh giá là một công trình vượt trội về tiến độ và chất lượng, dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán năm 2023.
Đây là tuyến đường do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) và nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Nam Trung và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính. Tại công trình này, nhà thầu đã áp dụng công nghệ đổ bê tông tại chỗ trên giàn giáo di dộng MSS (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là công nghệ hiện đại lần đầu được thực hiện tại Việt Nam.
Tham gia thi công 2 công trình được đánh giá cao về tiến độ thị công, theo anh Thái Đình Đạo, đại diện cho nhà thầu - Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Trung Chính, yếu tố quyết định để công trình đạt mọi tiến độ đề ra là nhiều nhân lực và có đội ngũ quản lý tốt. Công ty luôn đặt mục tiêu hoàn thành thi công trước tiến độ của dự án.
Các tuyến đường sắt trên cao đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông hiện đại. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị. Thế nhưng, thực tế triển khai 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-ga Hà Nội gặp quá nhiều vướng mắc khiến dự án bị chậm tiến độ, kéo dài hàng chục năm.
Để không lặp lại kỷ lục chậm tiến độ của các tuyến đường sắt đi trước, theo Phó Giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội phải nằm trong danh mục được đầu tư; Thành ủy Hà Nội cần xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành và địa phương, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư các dự án đường sắt đô thị; Xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ mạnh mẽ hợp tác công-tư (PPP), thu hút các nguồn vốn, mô hình đầu tư khác nhau theo kinh nghiệm đã thành công trên thế giới.
Tuy nhiên cần phải xây dựng các khung pháp lý chặt trẽ, minh bạch để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước. Ngoài ra cho phép triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công các dự án đường sắt đô thị; ưu tiên lựa chọn tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm phối hợp với các tư vấn có uy tín trong nước tham gia lập quy hoạch chuyên ngành phát triển hệ thống đường sắt đô thị gắn với quy hoạch đô thị theo định hướng TOD (đô thị nén cho phép phát triển, xây dựng nhà ở, đô thị mật độ cao dọc tuyến, gần khu vực ga); trong đó, nghiên cứu quy hoạch không gian đi bộ, không gian sử dụng vận tải phi cơ giới, các không gian tiếp cận ga đường sắt để đảm bảo người dùng giao thông công cộng được hỗ trợ một cách tối đa.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ tiếp tục được thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai trong những năm tới, nhằm khép kín các tuyến các đường vành đai, kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và tuyến trục chính của đô thị; trong đó dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô đang được tập trung thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước./.