Đóng một đường băng không làm gián đoạn hoạt động khai thác bay

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, năng lực khai thác bay sẽ giảm 30-35% so với việc khai thác 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tàu bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Văn phòng Cảng hàng không Nội Bài cung cấp)
Tàu bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Văn phòng Cảng hàng không Nội Bài cung cấp)

Để phục vụ công tác sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra phương án đóng lần lượt từng đường băng tại các cảng hàng không này từ 1/7/2020 đến hết năm nay. Các đường băng sẽ được đóng từng phần để đảm bảo thi công và không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động khai thác của sân bay.

Căn cứ vào các giai đoạn thi công của dự án, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có phương án điều tiết giờ cất hạ cánh (slot) cho phù hợp với năng lực khai thác.

Về tổng thể, việc thi công sẽ đảm bảo không làm giảm năng lực phục vụ chuyến bay trong ngày của cảng, tuy nhiên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, tần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng, thay vì trên hai đường băng như trước.

Theo đó, nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm (6-8 giờ sáng, 12-14 giờ chiều; 16-18 giờ tối) sẽ được giãn vào các giờ thấp điểm. Theo thống kê, hiện tại sản lượng bay tại Nội Bài đã phục hồi và tăng trưởng nhanh các chuyến bay nội địa với trung bình mỗi ngày trên 450 lượt chuyến bay và hơn 60.000 khách qua cảng. Dự báo trong tháng Bảy tới, con số này sẽ có thể tăng từ 5-10% tùy theo ngày trong tuần.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định: “Trong quá trình thi công dự án sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động khai thác, tuy nhiên do thời điểm triển khai dự án nằm trong giai đoạn chưa thực hiện mở các chuyến bay quốc tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mức độ suy giảm sẽ được hạn chế tối đa.”

[Khởi công dự án sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất]

Ông Phiệt cũng nhấn mạnh ACV cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, triển khai các giải pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn trong triển khai dự án nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bay và tuân thủ đúng các quy định về an ninh an toàn trong khai thác.

Theo ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh trong thời gian tạm đóng cửa một đường cất hạ cánh phục vụ hoạt động thi công dự án, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tiến hành điều chỉnh phương án khẩn nguy, cứu nạn, cứu hộ, di dời tàu, quán triệt các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.

“Trong thời gian thi công dự án, hành khách đi tàu bay cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ hãng hãng không, chủ động đến sân bay trước chuyến bay ít nhất 2 giờ để hoàn thành thủ tục hàng không, nhất là trong các khung giờ cao điểm nêu trên,”ông Hà đưa ra khuyến cáo.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng chuyến bay, lưu lượng hành khách hay số tuyến bay mở mới của các hãng hàng không tại thị trường nội địa đã vượt so với cùng kỳ năm 2019.

Đề cập tới việc 2 dự án này vừa thi công, vừa đảm bảo an toàn hàng không, ông Thắng tiết lộ Cục Hàng không phê duyệt biện pháp thi công của nhà thầu và phê duyệt biện pháp đảm bảo an ninh an toàn của nhà khai thác Cảng hàng không. Trong quá trình thi công, Cảng vụ Hàng không sẽ giám sát đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến bay.

Đánh giá khi đóng cửa 1 đường băng thì năng lực khai thác bay sẽ giảm xuống, ông Thắng cho biết theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, năng lực khai thác sẽ giảm 30-35% so với việc khai thác 2 đường băng.

Cụ thể, trước đây, ngành hàng không điều phối 44 chuyến/giờ đối với sân bay Tân Sơn Nhất và 32 chuyến/giờ với sân bay Nội Bài. Khi đóng một đường băng, năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn 32 chuyến/giờ và Nội Bài 29 chuyến/giờ.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng lưu lượng tần suất hoạt động thời gian này sẽ không có ảnh hưởng lớn bởi 44 chuyến/giờ hay 32 chuyến/giờ trước đây đã bao gồm cả nội địa và quốc tế nhưng hiện nay chỉ còn khai thác mỗi nội địa. Trong khi đó, tần suất bay quốc tế trước kia chiếm khoảng một nửa sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Khi giảm năng lực xuống, hoạt động quốc nội không bị ảnh hưởng mà vẫn được duy trì.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã xây dựng phương án khi chỉ còn một đường băng thì các tình huống khẩn nguy sẽ xử lý và đối phó ra sao và khắc phục trong thời gian nhanh nhất khai thác bay của 2 cảng hàng không.

“Thị trường nội địa phục hồi tương đối tốt, số tuyến bay mở nhiều hơn khi có dịch COVID-19 vì áp dụng nhiều chương trình kích cầu du lịch đi lại trong nước đã tạo điều kiện cho hành khách bay tới các thị trường mới. Hơn nữa, việc mở mới các đường bay nội địa cũng tạo điều kiện khai thác tối đa năng lực đội tàu bay đang nằm đất của các hãng hàng không,” ông Thắng nói./.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với thời gian thi công theo 2 bước; trong đó bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất hạ cánh 1B nhằm phục vụ Tết nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với thời gian thi công và hoàn thành dự kiến cuối năm 2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục