Đồng Nai đấu giá 36 khu đất trị giá khoảng 800 tỷ đồng

Hầu hết các khu đất đấu giá đều nằm ở vị trị thuận lợi, tiếp giáp với các trục đường giao thông, có thể xây dựng nhà ở, phát triển thương mại, dịch vụ.
Đồng Nai đấu giá 36 khu đất trị giá khoảng 800 tỷ đồng ảnh 1Quốc lộ 1A qua huyện Thống Nhất, Đồng Nai. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 29/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn năm 2023.

Từ nay đến cuối năm, Đồng Nai sẽ đấu giá 36 khu đất với diện tích hơn 77ha, trị giá khoảng 800 tỷ đồng.

Việc đấu giá được giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Đồng Nai và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Hầu hết các khu đất đấu giá đều nằm ở vị trị thuận lợi, tiếp giáp với các trục đường giao thông, có thể xây dựng nhà ở, phát triển thương mại, dịch vụ.

Trong số này có 3 khu đất lớn với diện tích trên 58ha, giá trị khoảng 640 tỷ đồng ở huyện Cẩm Mỹ và huyện Trảng Bom.

[Lâm Đồng sẽ bán đấu giá nhiều đất vàng lấy tiền làm 2 dự án cao tốc]

Việc tính giá trị những khu đất nêu trên căn cứ theo bảng giá đất của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2024. Dự kiến, sau đấu giá, số tiền thu được từ các khu đất sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nguồn thu từ đấu giá đất được dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Đồng Nai, tổng vốn từ nguồn khai thác đấu giá đất phải huy động là 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến hết năm 2022, nguồn vốn huy động được từ khai thác đấu giá quỹ đất mới chỉ đạt hơn 5.600 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng nguồn thu đấu giá đất giai đoạn 2021-2022 chưa đạt kỳ vọng. Do đó, với tình hình như hiện nay, dự kiến giai đoạn 2023-2025 sẽ không thu đủ để đáp ứng nhu cầu vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc đấu giá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất; góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở của người dân.

Thời gian tới, quá trình đấu giá đất sẽ được thực hiện đúng pháp luật, công khai, minh bạch, do đó tỉnh cần có giải pháp ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.