Đông Nam Bộ có sức hấp dẫn lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Với nhiều chính sách rộng mở thu hút vốn FDI, hiện dư địa của một số địa phương ở Đông Nam Bộ vẫn còn rất lớn, nhiều dự đoán nguồn vốn và các dự án sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Dây chuyền sản xuất càphê viên nén của Công ty Nestlé Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Dây chuyền sản xuất càphê viên nén của Công ty Nestlé Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ luôn có sức hấp dẫn lớn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều chính sách chào đón rất rộng mở trên tinh thần phát triển bền vững, ưu tiên các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Hiện dư địa của một số địa phương vẫn còn rất lớn, nhiều dự đoán nguồn vốn và các dự án sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng.

Điểm đến hấp dẫn

Sau nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bình Dương thuộc nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 9,56 tỷ USD, vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, trở thành “điểm sáng” cho vùng Đông Nam Bộ trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương với gần 4.200 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,2 tỷ USD; trong đó, khu vực châu Á chiếm trên 75% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.

Là nhà đầu tư lớn thứ hai tại tỉnh Bình Dương, Nhật Bản có hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động cùng 350 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,9 tỷ USD. Nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Bình Dương như Panasonic, Toshiba, Tokyu, Aeon Mall,…

Phó Chủ tịch Tập đoàn NTT East (Nhật Bản) Tanabe nhận định với lợi thế hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh và môi trường đầu tư luôn được quan tâm cải thiện, Bình Dương trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn ủng hộ định hướng đổi mới thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Bình Dương.

Năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành “điểm sáng” trong thu hút vốn FDI của cả nước. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được 20 dự án đầu tư nước ngoài, tăng hơn 5 dự án so cùng kỳ với tổng vốn đăng ký trên 751 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần, tương đương tăng hơn 481 triệu USD so cùng kỳ).

Đây là con số thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương khi tạo ra nhiều yếu tố tốt nhất trong thu hút đầu tư.

Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút được nhiều tập đoàn, công ty vốn FDI có thương hiệu lớn như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Vard (Na Uy).

Đặc biệt, tỉnh thu hút được một số dự án quy mô lớn, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Thái Lan) 5 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) 1,3 tỷ USD.

Riêng đối với “Kho ngầm chứa LPG” là công trình lớn nhất Đông Nam Á và là hạng mục quan trọng của dự án nhà máy sản xuất Polypropylene.

Tổng Giám đốc Hyosung Việt Nam Kim Kyung Hoan cho biết, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án như xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ... để khởi công dự án. Qua đó, mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để dự án sớm được khởi công theo đúng tiến độ, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Tại tỉnh Đồng Nai, tính đến hết tháng 10/2023, tổng mức vốn FDI vào địa phương đã đạt gần 1 tỷ USD, vượt kế hoạch 300 triệu USD. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, các dự án thu hút mới, tăng thêm vốn vào Đồng Nai thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện, cơ khí, thực phẩm, năng lượng,… và không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động.

Đồng thời, các dự án FDI thời gian qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Ở các khu công nghiệp của tỉnh, dự án FDI chiếm hơn 70% và đóng góp cho ngân sách khoảng 1 tỷ USD/năm.

Phát triển bền vững môi trường đầu tư

Sau nửa nhiệm kỳ thành công vượt bậc trong thu hút vốn FDI, với môi trường đầu tư hấp dẫn dự tính đến hết nhiệm kỳ, Bình Dương có thể thu hút vốn FDI đạt khoảng 13,2 tỷ USD. Để thu hút vốn FDI theo hướng chất lượng, tỉnh đang nỗ lực thực hiện những giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng giao thông, logistics, chất lượng nguồn nhân lực...

Bình Dương còn tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chú trọng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp khoa học-công nghệ được xây dựng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết tỉnh luôn nhất quán tinh thần thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, ưu tiên các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Tỉnh không ngừng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư an toàn, thân thiện, luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển lâu dài tại địa phương.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp đã trực tiếp sang những quốc gia tiềm năng, thế mạnh như Hoa Kỳ, Canada, Australia... để gặp gỡ, mời gọi đầu tư. Qua đó, góp phần tạo thêm niềm tin và sự an tâm để doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư tại địa phương.

ttxvn-0712dongnaifdi2-1752.jpg
Một dự án FDI trong khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ 3 (Bà Rịa- Vũng Tàu) thu hút gần 40 dự án FDI. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thời gian gần đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nổi lên là điểm đến có sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hiện dư địa của tỉnh vẫn còn rất lớn, nhiều dự đoán nguồn vốn và các dự án sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới giúp địa phương có điều kiện phát triển tốt hơn.

Theo đó, tỉnh tập trung đổi mới khâu chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Đặc biệt, chú trọng khơi thông các điểm nghẽn trong cơ chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa các chỉ số PCI, PAPI, PAR-index PCI ngày càng tốt hơn nữa.

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối vào khu vực cảng biển Cái Mép-Thị Vải, giao thông kết nối với các dự án du lịch dọc tuyến đường ven biển từ thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc…; các tuyến đường kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và chuẩn bị đầu tư tuyến đường Vành đai 4; nâng cấp đầu tư hoàn chỉnh các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56, các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ triển khai dự án ưu tiên về hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dự án nguồn điện, dự án hóa dầu, khí…

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết sẽ hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án của mình một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục, làm tốt hơn nữa để Bà Rịa - Vũng Tàu xứng đáng là vùng đất thu hút các dự án lớn, có sức hút mạnh mẽ với sự phát triển của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.